Viêm thanh quản cấp

SKĐS - Khởi đầu của viêm thanh quản cấp thường do bị viêm mũi, hoặc viêm mũi - họng xuất tiết, cũng có khi bệnh xuất hiện ngay sau khi bị cảm lạnh với dấu hiệu chính là khàn tiếng hay mất tiếng đột ngột

Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân đến khám vì bị viêm thanh quản cấp gia tăng, đó là do thời tiết thay đổi nhất là khi có những đợt rét đậm, rét đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp nên dễ dẫn đến viêm thanh quản cấp.

Khởi đầu của viêm thanh quản cấp thường do bị viêm mũi, hoặc viêm mũi - họng xuất tiết, cũng có khi bệnh xuất hiện ngay sau khi bị cảm lạnh với dấu hiệu chính là khàn tiếng hay mất tiếng đột ngột (ngoài ra, cũng có thể do nói hoặc la hét nhiều...). Bệnh hay gặp ở trẻ em, người cao tuổi do sức đề kháng kém nên không thích ứng kịp khi thời tiết thay đổi hoặc những người phải nói nhiều do yêu cầu nghề nghiệp.

Triệu chứng ban đầu, người bệnh thấy nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, ngấy sốt sau đó đau họng, có cảm giác nóng và khô hoặc rấm rứt như có dị vật trong cổ họng, kích thích ho (lúc đầu ho từng cơn, ho khan, sau đó ho có đờm nhầy). Tiếp đến, giọng nói bị khàn, đôi khi khàn đặc, thậm chí mất tiếng. Những triệu chứng trên của bệnh thường kéo dài trong vài ngày. Sau đó, các triệu chứng giảm dần, khoảng sau 7 ngày thì khỏi. Ban đầu có thể chỉ khỏi cơn ho, sốt, chảy mũi nhưng khàn tiếng có thể kéo dài thêm một vài ngày nữa mới khỏi hẳn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khi bị viêm thanh quản cấp do chủ quan nghĩ chỉ bị viêm họng nhẹ hoặc vì trời lạnh tâm lý ngại đi khám, thường tự điều trị ở nhà, khi bệnh không đỡ mới đến cơ sở y tế. Bởi vậy, nhiều bệnh nhân tới khám đã bị viêm khí - phế quản, viêm phổi... gây khó thở nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng và cũng do tự điều trị ở nhà, lạm dụng nhiều thuốc nhất là kháng sinh nên gây khó khăn trong quá trình điều trị. Chính vì thế, khi có những dấu hiệu của bệnh như mất tiếng, hoặc giọng khàn, nói khó khăn kèm theo hiện tượng ho, sốt, nhiều đờm; khó thở, hít vào có tiếng rít; tiếng ho khàn, người mệt nhiều và gần như không nói được; khàn tiếng kéo dài dùng thuốc không thấy đỡ (có thể là biểu hiện của chứng ung thư các dây thanh âm)... cần đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng để tìm nguyên nhân và phương pháp điều trị.

Để phòng viêm thanh quản cấp, cần lưu ý không để bị lạnh, mặc quần áo đủ ấm đặc biệt là giữ ấm cổ, gan bàn chân, tay. Khi đi đường, làm việc trong môi trường bụi nên đeo khẩu trang. Đồng thời, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để chống lại sự thâm nhập của vi rút, vi khuẩn. Trước khi đi ngủ nên nhỏ mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý. Khi có những triệu chứng sớm của viêm mũi, viêm họng cấp cần điều trị ngay. Hạn chê tối đa việc hút thuốc...

Bác sĩ  Huy Thông

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""