Viêm phúc mạc cấp

Viêm phúc mạc là một bệnh cấp cứu, rất nguy hiểm, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.

Về giải phẫu, phúc mạc là một màng trơn láng, bọc lót mặt trong thành bụng, tạo bọc kín hay che phủ một phần các tạng trong xoang bụng, tùy vị trí và chức năng, phúc mạc được chia thành các bộ phận, thứ nhất là lá thành hay phúc mạc thành, phủ lót mặt trong thành bụng trước, bên, sau, mặt dưới cơ hoành và đáy tiểu khung. Lá thành có thể bóc tách dễ dàng khỏi thành bụng. Thứ nhì là lá tạng hay phúc mạc tạng, bao bọc suốt dọc ống tiêu hóa dưới cơ hoành (chỉ trừ đoạn cuối của trực tràng), bao bọc gan, túi mật, lách, tụy, bàng quang, tử cung và phần phụ (nữ giới).

Xoang phúc mạc là một khoang ảo, chứa chừng 75 - 100ml dịch màu vàng trong có nhiều protein, đảm bảo độ trơn láng của phúc mạc. Ở nam giới, xoang phúc mạc hoàn toàn kín. Ở nữ giới, xoang phúc mạc thông với bên ngoài bằng các lỗ của loa vòi trứng.

Viêm phúc mạc cấpĐau bụng  là triệu chứng xuất hiện sớm nhất và bao giờ cũng có trong viêm phúc mạc

Nguyên nhân

Viêm phúc mạc cấp có thể do tiên phát, tức do bệnh nhiễm trùng ở phúc mạc gây ra như: lao phúc mạc, viêm phúc mạc do phế cầu hoặc lậu cầu (chiếm tỉ lệ thấp). Bên cạnh đó viêm phúc mạc thứ phát chiếm tỉ lệ cao hơn cả, đó là viêm phúc mạc do thủng túi mật, mật sẽ thấm vào phúc mạc gây viêm (viêm phúc mạc mật), thủng ruột, tắc ruột, thủng dạ dày, viêm ruột thừa vỡ, chấn thương thủng bụng (do đạn, bom mìn, do tai nạn lao động, tai nạn giao thông…). Ngoài ra, viêm phúc mạc có thể do viêm phần phụ hoặc ápxe ống dẫn trứng, vòi trứng hoặc vỡ tử cung xảy ra trong thời kỳ chuyển dạ do không có sự cân xứng giữa khung chậu của người mẹ và kích thước đầu thai nhi hoặc thủng tử cung do nạo phá thai (phụ nữ)  cũng là những nguyên nhân gặp nhiều của viêm phúc mạc.

Căn nguyên gây viêm phúc mạc có thể do vi khuẩn hoặc do hóa chất. Viêm phúc mạc do vi khuẩn bởi vì vi khuẩn xâm nhập vào xoang bụng bằng đường mạch máu hoặc là do lây lan từ một ổ nhiễm trùng trong xoang bụng hoặc do thủng vỡ một tạng rỗng (ruột, dạ dày, bàng quang…) dịch và các chất bẩn từ các tạng đó mang theo vi khuẩn đổ vào phúc mạc gây viêm. Vi khuẩn có thể là vi khuẩn lao (do lao phúc mạc), vi khuẩn đường ruột như: E.coli, Proteus, Klebsiella, trực khuẩn mủ xanh, vi khuẩn kỵ khí (C. difficil), nếu thủng các tạng rỗng (dạ dày, ruột, bàng quang…).

Tại sao lại nguy hiểm?

    Viêm phúc mạc là một bệnh lý rất nặng trong ngoại khoa, nếu không xử trí kịp thời, tỉ lệ tử vong có thể lên tới 60 - 70%, bởi vì, viêm phúc mạc cấp là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm khuẩn trong ổ bụng, trong khi đó có nhiều loại vi khuẩn, độc tính của chúng rất cao, trong khi đó diện tích của phúc mạc (màng bụng) rất rộng nên khả năng hấp thu chất độc từ các tạng rỗng (dạ dày, ruột…) tràn vào, độc tố (do vi khuẩn tiết ra) rất nhanh dễ dẫn đến sốc và nhiễm độc (sốc nhiễm trùng). Bệnh nặng còn do sự dễ lây lan khắp ổ bụng bởi nhu động ruột (ruột co bóp đẩy các chất bẩn đi vào ổ bụng). Vì vậy, khi nghi là viêm phúc mạc cần chẩn đoán sớm xử trí đúng, kịp thời nhằm hạn chế tử vong đến mức tối đa.

    Triệu chứng

    Đau bụng  là triệu chứng xuất hiện sớm nhất và bao giờ cũng có trong viêm phúc mạc, vị trí đau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh (thủng dạ dày, bụng đau dữ dội và bụng cứng như gỗ, vỡ ruột thừa, đau chủ yếu hố chậu phải và thượng vị…), kèm theo buồn nôn và nôn. Khi phúc mạc đã bị nhiễm trùng sẽ sốt cao hoặc rất cao (39 - 40oC). Người bệnh mệt mỏi, hốc hác, bơ phờ, da xanh tái, nhớp nháp mồ hôi, chân tay lạnh. Nặng hơn có thể li bì, bán mê hoặc hôn mê, mạch nhanh, huyết áp tụt do mất nước, chất điện giải (nôn, sốt) và do ử đọng nước trong lòng ruột và ổ bụng gây nhiễm độc độc tố vi khuẩn.

    Viêm phúc mạc cấpKhi phúc mạc đã bị nhiễm trùng sẽ sốt cao hoặc rất cao

    Cần xét nghiệm cần làm như công thức máu (số lượng bạch cầu và tỉ lệ đa nhân trung tính tăng cao), tốc độ máu lắng, urê máu (tăng cao), xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng, chụp X-quang ổ bụng…

    Hậu quả của viêm phúc mạc, nếu nặng, không phát hiện sớm và xử trí đúng, kịp thời có thể tử vong, nếu qua khỏi, điều trị tích cực, về sau có thể gây dính ruột, tắc ruột rất phức tạp. Vì vậy, sau khi khỏi bệnh, ra viện, người bệnh luôn luôn chú ý nếu có các dấu hiệu đau bụng, bí trung, đại tiện, buồn nôn, nôn phải khẩn trương đến bệnh viện ngay.

    Nguyên tắc điều trị như thế nào?

    Nguyên tắc là phải điều trị ngoại khoa kết hợp với hồi sức ngoại khoa tích cực. Vì vậy, cần phẫu thuật càng sớm càng tốt để điều trị nguyên nhân (ví dụ, khâu lỗ thủng dạ dày, nếu do vỡ ruột thừa phải cắt bỏ…), lau sạch ổ bụng, dẫn lưu... Bên cạnh đó phải hồi sức ngoại khoa thật khẩn trương, đúng, tốt (truyền dịch, điện giải để bù nước, điện giải), điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, sử dụng kháng sinh liều cao bằng đường tĩnh mạch (khi nghi ngờ có vai trò của vi khuẩn kỵ khí cần cho Metronidazol…).

    PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
    Hiển thị tất cả kết quả cho ""