Thường xuyên bị sưng, đau khớp gối nhất định phải biết điều này

Vừa qua, BV ĐHYD tiếp nhận trường hợp Anh Nguyễn Thành T., 27 tuổi, TPHCM đến khám tại phòng khám Chấn thương chỉnh hình trong tình trạng đứt dây chằng chéo trước và dây chằng bên trong gối trái.

Theo lời kể của người bệnh, cách đây 1 tháng, sau khi tập thể thao anh bị đau nhiều ở khớp gối, không đi lại được. Nghĩ mình còn trẻ, anh quyết định không đến bệnh viện kiểm tra mà chỉ ở nhà nghỉ ngơi, giảm đau.

Thường xuyên bị sưng, đau khớp gối nhất định phải biết điều này - 1

Sau khi tập thể thao, nhiều người bị đau nhiều ở khớp gối, không đi lại được.

Sau hơn một tuần, gối của anh đã giảm sưng nhưng còn đau nhiều khi đi lại. Thấy tình hình không thuyên giảm anh T. đi khám và được chỉ định phẫu thuật tái tạo lại hai dây chằng.

Sau 3 tháng phẫu thuật, người bệnh có thể vận động, không bị sưng, đau khớp gối khi đi.

Trường hợp của anh Nguyễn Trần Ng., 20 tuổi, TPHCM là sinh viên đại học nhưng rất đam mê đá bóng. Trong một lần đang chơi bóng cùng bạn, Ng. bị chấn thương gối, sau 1 tuần triệu chứng đau có giảm nhưng em lại thường bị đau nhói khi đi hoặc chạy kèm theo sưng gối.

Ng. đi khám trong tình trạng đau, sưng, kẹt gối khi đi lại, thường xuyên nghe tiếng lụp cụp trong gối. Kết quả cho thấy, Ng. bị rách sụn chêm trong gối.

ThS BS. Mai Thanh Việt - Khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD cho biết, trường hợp của em Ng. là dạng rách sụn chêm có thể khâu lại được. Ng. được chỉ định phẫu thuật nội soi, hướng dẫn tập vật lý trị liệu tại phòng tập và tại nhà. Sau 2 tháng, Ng. đi lại khá tốt, không còn đau, kẹt gối khi đi. Sau 6 tháng, em đã có thể chơi thể thao như trước.

Theo BS Việt, khớp gối là loại khớp phức tạp, hoạt động nhờ sự phối hợp của nhiều cấu trúc như gân, cơ, dây chằng, bao khớ trong đó, các dây chằng trong và quanh khớp gối giữ vai trò quan trọng trong sự vận động và giữ vững khớp gối. Chấn thương dây chằng khớp bao gồm đứt, rách các dây chằng quanh khớp gối như dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên…

Nguyên nhân của tổn thương dây chằng khớp gối thường do chấn thương trong thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt và thường gặp ở người trẻ với các hoạt động mạnh.

Tổn thương dây chằng gây ra tình trạng lỏng lẻo khớp gối, nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ làm khớp gối sớm bị thoái hóa. Sự tổn thương của các cấu trúc trong khớp như sụn chêm, sụn khớp, xương dưới sụn… gây đau đớn, vận động khó khăn.

Đứt dây chằng khớp gối thường xảy ra sau chấn thương, khớp gối bị sưng, đau trong vài tuần đầu, sau đó tự giảm dần. Một số trường hợp bị tổn thương dây chằng vẫn có thể đi lại bình thường sau chấn thương, nhưng khi vận động mạnh thì khớp gối lại sưng đau.  Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến teo cơ đùi, khó khăn trong đi lại.

Nguy hiểm hơn, khi khớp gối đã bị thoái hóa nặng thì không thể phẫu thuật tái tạo dây chằng và phải phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo.  Nếu phát hiện càng sớm thì tỷ lệ thành công cao hơn, vì khi đó, các cấu trúc trong khớp ít bị tổn thương, tình trạng cơ đùi ít bị teo hơn, sự phục hồi tốt hơn.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người, khi bị chấn thương khớp gối, nếu xảy ra tình trạng sưng, đau kéo dài hoặc sưng, đau gối khi vận động mạnh thì phải đến các bệnh viện có chuyên khoa về Chấn thương chỉnh hình để được đánh giá chính xác các tổn thương và có phương pháp điều trị thích hợp.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""