Việc thức đêm từ ngày này sang ngày khác xem bóng đá, công việc lại áp lực căng thẳng dễ khiến sức khỏe bị “bào mòn”.
Con người hoạt động vào ban ngày và nghỉ ngơi khi mặt trời lặn. Nếu chúng ta bắt cơ thể phải thức đêm, khiến cho nhịp sinh học bị đảo lộn, một số cơ quan trong cơ thể sẽ phải hoạt động quá sức. Trước đây, sau mỗi mùa World Cup đều có bệnh nhân nhập viện điều trị tâm lý, rối loạn giấc ngủ, biểu hiện mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm trí nhớ, nóng nảy, cáu bẳn, uể oải, tinh thần sa sút… do thức đêm quá nhiều. Nguy cơ đột quỵ khi thức khuya nhiều cũng có thể xảy ra. Đặc biệt, với những người có bệnh lý, tiền sử huyết áp, tim mạch… nguy cơ càng cao hơn.
Có sự lo ngại việc thức đêm sẽ ảnh hưởng và nguy cơ cao cho các bệnh lý tâm thần. Thực ra, thức đêm xem bóng đá không gây ra bệnh lý rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, rối loạn tâm thần có thể xảy ra nếu như người đó có bệnh lý tiềm ẩn sẵn. Việc thường xuyên thức đêm kèm theo tâm trạng hồi hộp, phấn khích dẫn tới trạng thái bị rối loạn giấc ngủ. Cơ thể thiếu ngủ trong thời gian dài có thể sẽ làm khởi phát bệnh lý rối loạn tâm thần tiềm tàng sẵn có.
Người có bệnh lý tâm thần, khi thức đêm xem đá bóng cần phải đặc biệt chú ý để bệnh lý không bị nặng hơn đồng thời lưu ý uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc. Thế nhưng, hầu hết trận bóng đều diễn ra vào buổi tối và ban đêm, vì vậy người có bệnh lý tâm thần, nếu uống thuốc sẽ không thể xem được bóng đá. Sau mỗi một mùa bóng, một số bệnh nhân có bệnh lý tâm thần thường diễn biến nặng hơn, do không tuân thủ uống thuốc hoặc bỏ thuốc để xem bóng đá.
Ngoài ra, người thức đêm cần hạn chế uống rượu, bia, cà phê, thuốc lá… Việc lạm dụng các chất kích thích ảnh hưởng tới hệ thần kinh, thiếu tỉnh táo và mất khả năng kiểm soát hành vi.
Thực tế có những người quá mải mê xem bóng đá nên ảnh hưởng tới công việc, làm việc không đảm bảo thời gian, hiệu quả công việc giảm sút. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống.