Thực hư chuyện uống viên chống nắng, ra đường thoải mái cả ngày

Với hướng dẫn sử dụng uống viên chống nắng trước khi ra nắng 30 phút, nhiều chị em tin rằng mình đã tìm được cách chống nắng toàn diện và đơn giản hơn nhiều so với đội mũ, mặc áo và bôi kem chống nắng. Trên thực tế viên uống này được kê đơn tại bệnh viện và mới đây nhất FDA cũng đưa ra khuyến cáo về sản phẩm này.

 

Uống 1 viên - ra nắng cả ngày?

Theo quảng cáo trên các trang mạng, viên uống chống nắng sẽ khắc phục hoàn toàn các nhược điểm của kem chống nắng.

“Nếu đã từng một lần dùng kem chống nắng, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì độ bí rít, "loang lổ" và nhờn bóng để lại trên da. Hãy tưởng tượng, khuôn mặt và các vùng da trên cơ thể của bạn phải phủ độ dày 0,2 mm kem chống nắng, mới đủ để chặn đứng tác hại của tia UV. Khi đó, làn da phải "ăn" quá nhiều kem chống nắng, dễ dẫn đến "ngạt thở" và phản ứng lại bằng việc nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy”, quảng cáo nêu .

Chia sẻ trên diễn đàn, 1 nickname khoe: “Viên uống chống nắng bảo vệ da từ bên trong, rất tiện lợi nhé. Bà chị mình thường đi theo tour xuyên việt nên lúc nào trong vali cũng có sẳn viên uống chống nắng P. Thấy bả đi nắng thường xuyên mà da ngày càng trắng ra chứ không có dấu hiệu của rám nắng”.

Quảng cáo cũng chỉ rõ loại viên uống chống nắng này đặc biệt thích hợp với “những vận động viên và người chơi thể thao, hoạt động và ra mồ hôi nhiều; các diễn viên, người mẫu phải chụp ảnh ngoài trời gặp khó khăn khi trang điểm với kem chống nắng”.


Một ý kiến trên mạng xã hội về dùng viên uống chống nắng

Một ý kiến trên mạng xã hội về dùng viên uống chống nắng

Chỉ kê cho người bệnh!

Trao đổi với phóng viên Dân trí, BS Vũ Nguyệt Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu trung ương, đồng thời là giảng viên ĐH Y Hà Nội, khẳng định: “Việc thần tượng hóa khả năng của sản phẩm và dùng viên uống thay kem chống nắng là không đúng”.

Theo BS Nguyệt Minh, viên uống chống nắng có rất nhiều thành phần, được pha chế theo tỉ lệ nhất định, bao gồm các loại vitamin C, E, A, các polyphenol thực vật, các vitamin axit giúp kháng viêm… nhằm vào 1 trong các cơ chế như giảm gốc tự do, tăng cường quá trình hồi phục ADN, giảm viêm trên da…

Các thành phần này tương tự như thành phần của các thực phẩm chức năng có công dụng chống lão hóa nhưng khác ở chỗ: phải được nghiên cứu và đưa ra được khả năng chống nắng là bao nhiêu.

Theo BS Lê Tuấn, 1 loại viên uống chống nắng của Italia có tác dụng tăng hấp thụ ánh nắng, nhuộm da (bronzing) để tạo thành một lớp màu nâu (Tan) trên da ngăn cản tia cực tím xuyên tới các nhiễm sắc thể trong nhân tế bào gây ra lão hóa và ung thư da. Cơ chế chống nắng của viên uống này dựa trên làn da quá trắng của người châu Âu, lớp thượng bì ngoài cùng rất ít sắc tố melanin do vậy khả năng bảo vệ khỏi tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời rất kém.

Trên thực tế, “Tại Viện hiện nay, viên uống chống nắng chỉ được kê cho các bệnh da do ánh nắng gây nên. Việc sử dụng đại trà với chức năng làm trắng, chống lão hóa hay chống nám đều không được khuyến cáo. Dùng kem chống nắng vẫn là tốt nhất!”, BS Nguyệt Minh khuyên.

Giải thích về lý do sử dụng viên uống chống nắng cho các trường hợp bệnh nhân dày sừng ánh sáng, ung thư da…, BS Nguyệt Minh cho biết, thông thường bệnh nhân sẽ phải bôi kem chống nắng nhiều lần trong ngày, có người phải thoa kem chống nắng tới 4 lần/ngày. Do đó, nếu người bệnh không tuân thủ việc này thì sẽ phải dùng thêm đường uống, giúp giảm số lần bôi kem chống nắng xuống còn 2 lần/ngày.

Hơn nữa, tất cả các nghiên cứu về viên uống chống nắng đều là trên các bệnh nhân có vấn đề dày sừng ánh sáng, mắc ung thư da.

Cụ thể, loại viên uống chống nắng được FDA công nhận đã có nhiều nghiên cứu labo và lâm sàng cho thấy khi sử dụng viên uống có hàm lượng chiết xuất dương xỉ chuẩn 240mg/ngày, sẽ giảm ung thư tế bào vảy 2 lần, giảm 2,5 lần tình trạng dày sừng khi cùng chiếu 1 lượng ánh sáng tương đương so với người bệnh không dùng viên uống.

Một nghiên cứu khác cho thấy với nám má, khi dùng viên uống chống nắng kết hợp với kem chống nắng, sẽ giảm 40% nám má so với nhóm không dùng.

Do đó, “việc kê viên uống chống nắng phải đảm bảo các yếu tố: bệnh nhân không chống nắng được liều tại chỗ, bệnh nhân đi biển, bệnh nhân không dùng thực phẩm chức năng nào khác”, BS Nguyệt Minh nhấn mạnh.

Cảnh báo mới nhất của FDA

Ngày 22/5 vừa qua, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức phủ nhận khả năng thay thế kem chống nắng của viên uống chống nắng. Đồng thời, FDA cũng cảnh cáo 4 công ty đang kinh doanh mặt hàng này về những “hứa hẹn sai lầm” khi sử dụng sản phẩm của hãng.

4 công ty bị cảnh báo là Advanced Skin Brightening Formula, Synsafe Rx, Solaricare và Sunergetic. Các công ty này đã quảng bá sản phẩm chống nắng không được kiểm định hiệu quả theo tiêu chuẩn của FDA. Những lời quảng bá sai sự thật này dẫn đến việc người dùng không thực hiện đủ các biện pháp bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời, làm tăng nguy cơ các bệnh da, thậm chí là ung thư da.

FDA cũng kêu gọi người dùng hãy cảnh giác với những quảng cáo sai sự thật của các công ty vô trách nhiệm.

“Không có một loại thực phẩm chức năng nào có thể thay thế kem chống nắng”, FDA khẳng định.

Các viên uống chống nắng cũng đã xuất hiện ở các nước Âu, Mỹ từ hàng chục năm nay và đã có sản phẩm đã được FDA công nhận từ 2009. Tuy nhiên, sản phẩm này mới chỉ phát triển ở Việt Nam trong 1 vài năm trở lại đây.

Trần Phương

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""