Nếu bị dị vật rơi vào mắt, hãy thử rửa trôi nó bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Dùng chén rửa mắt hoặc cốc nhỏ...
Dị vật ở mắt
Nếu bị dị vật rơi vào mắt, hãy thử rửa trôi nó bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Dùng chén rửa mắt hoặc cốc nhỏ, sạch đặt sao cho vành miệng cốc nằm trên xương ở nền hốc mắt, chớp mắt nhiều lần trong nước để dị vật tự trôi ra.
Để giúp đỡ người khác:
• Rửa tay sạch.
• Để người đó ngồi ở nơi đủ ánh sáng.
• Kiểm tra mắt nhẹ nhàng để tìm dị vật bằng cách kéo mí mắt ở dưới xuống và yêu cầu người đó nhìn lên. Sau đó giữ mí mắt trên trong khi người đó nhìn xuống.
• Nếu dị vật nằm ở lớp màng nước trên bề mặt của mắt, hãy thử rửa trôi nó ra ngoài.
Cảnh báo:
• Không cố lấy dị vật đã đâm vào nhãn cầu.
• Không dụi mắt.
• Không cố gắng lấy dị vật lớn làm khó nhắm mắt.
Gọi bác sĩ khi:
• Bạn không thể lấy dị vật.
• Dị vật đâm vào nhãn cầu.
• Người bị dị vật trong mắt có thị lực bất thường.
• Đau, đỏ hoặc cảm giác có dị vật trong mắt vẫn còn sau khi dị vật được lấy ra.
Dị vật mũi
Nếu có dị vật bị kẹt trong mũi:
• Không thăm dò mũi bằng tăm bông hoặc dụng cụ khác.
• Không cố hít dị vật bằng cách hít vào thật mạnh. Thay vào đó, hãy thở bằng miệng cho đến khi dị vật được lấy ra.
Thở ra nhẹ nhàng để thử đẩy dị vật ra, nhưng đừng thở mạnh hoặc liên tục. Nếu chỉ một bên lỗ mũi có dị vật, bịt lỗ mũi kia lại và thở ra nhẹ nhàng ở bên mũi có dị vật.
• Nếu dị vật có thể nhìn thấy và có thể dễ dàng gắp ra bằng nhíp, hãy nhẹ nhàng lấy nó ra. Không cố gắng lấy dị vật không nhìn được hoặc không dễ gắp.
• Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ cở y tế nếu các biện pháp trên thất bại.
Dị vật trong tai
Thường thì bạn sẽ biết nếu có vật gì mắc kẹt trong tai, song trẻ nhỏ có thể không nhận biết được điều này. Nếu dị vật mắc trong tai:
1Loại dị vật bất động: Hạt thóc, hạt bắp… có thể ở trong tai khá lâu mà không gây biến chứng gì. Nếu dị vật khá to, gây bít kín, tắc ống tai làm cho tai bị ù, nghe kém hoặc gây cảm giác đau, ho (do phản xạ kích thích nhánh tai của dây thần kinh Phế Vị).
• Không dùng dụng cụ để thăm dò tai. Làm vậy có thể gây nguy cơ đẩy dị vật vào sâu trong tai và gây tổn thương những cấu trúc mỏng manh của tai giữa.
• Nếu dị vật nhìn thấy rõ, mềm và có thể gắp ra bằng nhíp, hãy nhẹ nhàng lấy nó ra. Nếu dị vật cứng, tròn… dùng kẹp gắp có thể bị trơn và đẩy dị vật vào sâu hơn. Trường hợp này, dùng cây móc hoặc móc dái tai, luồn sát thành ống tai ra phía sau dị vật, nhẹ nhàng kéo ra.
• Thử sử dụng trọng lực. Nghiêng đầu về bên tai có dị vật. Đừng đập vào đầu, song hãy lắc đầu nhẹ nhàng theo hướng mặt đất để cố làm cho dị vật rơi ra.
• Dùng nước ấm (370C) bơm vào thành trên ống tai, tia nước sẽ đi theo thành trên ống tai ra phía sau dị vật và đẩy dị vật từ trong ống tai ra ngoài.
Ghi chú: Không bơm nước tia thẳng vào dị vật vì có thể làm dị vật bị đẩy sâu vào trong hơn. Không nên bơm nước vào tai nếu dị vật thuộc loại thấm nước vì sẽ gây nên phình to hơn.
2Loại dị vật cử động: Kiến, ruồi… khi vào tai, bò, chạy vào trong ống tai, gây nên tiếng sột soạt, cắn vào da mỏng trong ống tai, chạm vào màng nhĩ gây rát đau tai, có khi chóng mặt. Các dị vật sống này, nếu không biết cách xử lý tốt, có thể gây biến chứng bị cắn, đâm rách màng nhĩ.
Nếu chúng còn sống, không nên gắp ra ngay, đụng vào chúng sẽ sợ càng chui sâu hơn, vừa khó lấy ra, vừa đau. Loại gián thường chui đầu vào trước, ngạnh và gai chân bị vướng nên không sao chui ra được. Có trường hợp gián bị gắp đứt cả bụng và chân mà vẫn mắc đoạn thân ở lại, chúng càng phản ứng và cào xước da ống tai, màng nhĩ. Trường hợp này, cần phải làm cho côn trùng sợ và chui ra hoặc giết chết bằng cách nhỏ cồn nhẹ hoặc rượu, dầu phộng hoặc thuốc nhỏ tai có vị đắng… (không được dùng xăng, dầu hôi… có thể gây bỏng ống tai…). Khi côn trùng đã chết, râu, ngạnh xẹp lại, dùng kẹp nhổ gắp hoặc bơm tia nước đẩy ra.
Nếu các phương pháp trên thất bại hoặc người bệnh tiếp tục bị đau ở tai, giảm thính giác hoặc cảm giác có vật gì đó mắc trong tai, hãy đến cơ sở y tế.
Dị vật xuyên da
Dùng nhíp để lấy các dằm gỗ hoặc sợi thủy tinh, các mảnh thủy tinh vỡ hoặc các dị vật khác ra khỏi da bạn.
• Rửa sạch chỗ đó bằng xà phòng và nước.
• Khử trùng kim khử dị vật bằng cách hơ trên lửa trong vài giây hoặc rửa bằng cồn.
• Dùng kim nhẹ nhàng gẩy đầu dị vật ra.
• Dùng nhíp để gắp dị vật. Kính lúp có thể giúp bạn nhìn dị vật rõ hơn.
• Rửa sạch và lau khô vùng da bị dị vật đâm vào. Bôi thuốc mỡ kháng sinh
• Nếu dị vật không lấy ra được dễ dàng hoặc ở gần mắt, hãy đến cơ sở y tế.