Có nhiều người bệnh thận phải chạy thận nhân tạo, xin cho biết có còn cách thức nào khác để không phải chạy thận? Tại sao phải chạy thận nhân tạo suốt đời như vậy?
(Lâm Đình Thủy - TP.HCM)
Như chúng ta biết, thận là cơ quan bài tiết nước tiểu của cơ thể, qua nước tiểu sẽ đào thải các chất sinh ra trong quá trình chuyển hóa. Đồng thời, sự bài tiết của thận cũng nhằm mục đích giữ sự hằng định nội môi trong cơ thể.
Ở một người lớn bình thường trong mỗi phút có đến 1,2 lít máu đi qua hai quả thận và tùy theo từng điều kiện khác nhau mà lượng nước tiểu được bài tiết ra ngoài từ 0,5 - 2,0 lít. Nephron là đơn vị cấu tạo nên thận, có khả năng tạo nước tiểu độc lập với nhau, mỗi thận chứa trên 1 triệu nephron. Nephron được tạo thành từ một cầu thận, trong đó dịch được lọc từ máu và một ống dài để biến đổi dịch lọc thành nước tiểu rồi đổ vào bể thận ra hệ niệu. Do nguyên nhân nào đó làm cho số lượng nephron bị giảm thì thận không đảm bảo được chức năng bài tiết nước tiểu và các chất chuyển hóa độc hại. Nếu sự giảm lọc của cầu thận thường xuyên, cố định thì được gọi là suy thận mãn tính. Khi thận bị suy mãn tính thì ngoài việc nước không đào thoát khỏi cơ thể còn có sự ứ đọng các chất chuyển hóa và bệnh nhân sẽ bị nhiễm độc chính các chất này.
Hiện nay, để giải quyết tình trạng suy thận mãn cách tốt nhất là thay thận mới (ghép thận khỏe mạnh cho bệnh nhân) nhưng không phải dễ dàng. Thận ghép cho bệnh nhân suy thận mãn phải tương thích cao về miễn dịch (nhằm hạn chế đào thải mảnh ghép). Nguồn thận để ghép cho bệnh nhân cũng cực kỳ hạn chế. Đối với bệnh nhân không ghép được thận hoặc trong thời gian chờ ghép phải được điều trị bằng phương pháp khác đó là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc). Sử dụng cách thức nào để điều trị cho bệnh nhân bị suy thận mãn sẽ được bác sĩ chuyên khoa tư vấn cụ thể cho từng bệnh nhân tùy thuộc nhiều yếu tố.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ