Trong sinh hoạt thực tế người cao tuổi thường rất hay bị ngã. Đây là một vấn đề nghiêm trọng ở người cao tuổi vì tai nạn có thể gây tàn phế và thậm chí gây tử vong.
Vì vậy, phòng tránh và chăm sóc đúng có thể tránh biến chứng nguy hiểm là rất quan trọng.
Vì sao người cao tuổi hay bị ngã?
Theo thời gian các thay đổi của cơ thể do ở người lớn tuổi, phản ứng của cơ thể thường chậm lại khiến cho người lớn tuổi nếu đang ngồi hay nằm mà đứng lên bất thình lình sẽ dễ bị chóng mặt, xây xẩm, do máu lên não không kịp, khiến dễ bị té ngã. Theo thời gian các cơ quan bị lão hóa nhất là vấn đề loãng xương, thị lực kém, hệ thống gân cơ yếu dần, phản xạ cơ thể chậm hơn cũng làm người già đối mặt với nguy cơ té ngã cao hơn nhiều.
Vấn đề thường thấy là ở người cao tuổi thường hay bị nhiều bệnh hơn như: tăng huyết áp, lãng tai, mất ngủ, đau khớp. Càng nhiều vấn đề thì càng dễ bị té hơn vì thị giác, thính giác, sự cân bằng, mạnh khỏe của khớp, sức khỏe nói chung đều góp phần vào sự thăng bằng của cơ thể khi di chuyển. Khoảng 30 - 40% số người cao tuổi trên 65 ngã ít nhất 1 lần trong một năm và tỉ lệ này tăng rất cao ở người trên 75 và người phải điều trị lâu dài. Ngã tăng lên theo tuổi, đặc biệt ở nhóm trên 85 tuổi, nhất là nhóm có suy giảm nhận thức. Ngã có tỉ lệ rất cao ở nhóm người rất già và nhóm người có hạn chế vận động. Té ngã rất thường xảy ra ở người lớn tuổi, tỉ lệ và độ trầm trọng của té ngã tăng lên từ từ bắt đầu từ tuổi 60. Ở Hoa Kỳ, mỗi năm có một phần ba của những người từ 65 tuổi trở lên bị té, tỉ lệ này càng cao hơn sau tuổi 75.
Dùng thuốc để điều trị bệnh cũng là một yếu tố rất quan trọng vì thuốc có các tác dụng phụ làm cho té là do gây ra chóng mặt, buồn ngủ, mất ngủ. Ngoài ra, các yếu tố môi trường rất quan trọng, vì người cao tuổi không phản ứng nhanh như lúc còn trẻ, do đó những chuyện có vẻ nhỏ nhặt như: thảm bị lỏng, mang giày không chặt, bàn cầu thấp làm đứng lên khó khăn mà không có tay vịn, sàn nhà trơn… tất cả đều có thể gây nguy cơ té ngã.
Không chỉ gây tàn tật
Ngã là một vấn đề nghiêm trọng ở người cao tuổi vì nó rất thường gặp, gây tàn phế và thậm chí gây tử vong, là nguyên nhân đứng hàng thứ năm gây tử vong ở người cao tuổi. Hậu quả của ngã ở người cao tuổi thường nghiêm trọng hơn nhiều so với người trẻ, thường gây ra các chấn thương lớn cho xương và da, các bệnh kèm theo nên khó hồi phục. Do người cao tuổi thường mắc một số bệnh như loãng xương kèm theo những thay đổi liên quan đến tuổi như phản xạ tự vệ chậm, do vậy khi ngã, kể cả khi ngã rất bình thường cũng trở lên nguy hiểm. Khoảng 5% ngã gây chấn thương và dẫn đến gãy xương. Các chấn thương kiểu này thường dẫn đến tàn tật tam thời hoặc vĩnh viễn. Một nửa số người cao tuổi nhập viện vì gãy cổ xương đùi và không thể trở lại cuộc sống độc lập tại nhà. Ngã ở người cao tuổi gây ra các chấn thương nặng (gãy xương thường là gãy cổ xương đùi, tụ máu ngoài da hoặc tụ máu não) chiếm khoảng 5 - 10%. Đa số biến chứng của ngã rất dễ chẩn đoán, tuy nhiên một vài trường hợp lại rất khó xác định như gãy nền xương bàn 5 do lật nhẹ bàn chân hay cổ chân, sau đó thấy đau hoặc sưng mu bàn chân, cảm giác khó chịu dọc theo bờ ngón út. Nhiều người ban đầu tưởng bong gân nên xức dầu nóng, bó thuốc, nắn trật. Sau nhiều ngày không hết mới khám và phát hiện gãy xương. Và ngã còn gây nhiều hiệu quả nghiêm trọng khác như, sợ hãi là sẽ bị ngã tiếp, trường hợp nặng có thể có biểu hiện trầm cảm hoặc lo lâu, cảm giác bất lực, cô đơn hoặc hội chứng căng thẳng sau chấn thương, thậm chí có có mê sảng…
30 - 40% số người cao tuổi trên 65 ngã ít nhất 1 lần trong một năm
Phòng và tập luyện sau ngã
Trong những giờ đầu, điều trị giúp khắc phục hậu quả trước mắt của ngã và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ. Trong những giờ sau, điều trị dự phòng mục đích tránh ngã tái phát và các biến chứng cũng như tránh tiến triển thành hội chứng sau ngã và mất khả năng độc lập về chức năng.
Điều chỉnh tất cả các yếu tố nguy cơ thuận lợi và gây ngã là rất quan trọng. Trong thực thực tiễn đôi khi rất khó xác định chính xác yếu tố nào gây ra ngã, thực tế ngã là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Ngã liên quan đến các bệnh lý tim mạch, thuốc, dinh dưỡng, giảm thị lực. Can thiệp vào các yếu tố này có thể phòng được ngã tái phát.
Sau thời gian ngã thực hiện nghiêm ngặt các chỉ định của thầy thuốc về thời gian uống thuốc, dinh dưỡng và tái khám đúng hẹn. Ngoài ra, người cao tuổi cần điều trị phục hồi chức năng cần làm sớm. Điều trị thăng bằng cho bệnh nhân, điều chỉnh dáng đi, áp dụng các kĩ thuật là tăng cơ lực chi dưới, giữ thăng bằng ở trạng thái tĩnh và trạng thái động, cảm giác sâu… nhằm cải thiện luôn khả năng hoạt động chức năng.Để cải thiện nhanh chóng về chức năng hoạt động sau ngã người bệnh cần đến các trung tâm phục hồi chức năng để bác sĩ tư vấn về cách tập luyện sau ngã, thông qua chương trình dạy cách đi, các bài tập về cơ và cho bệnh nhân sử dụng các dụng cụ hỗ trợ. Chương trình dậy cách đi thường do một kỹ thuật viên phục hồi chức năng hướng dẫn, đặc biệt có hiệu quả với bệnh nhân tai biến mạch máu não, gãy khớp háng, thoái hóa khớp hoặc hội chứng Parkinson. Với những người có xu hướng ngã hoặc đã bị ngã, phải áp dụng bài tập dạy cách đi. Tùy từng trường hợp cụ thể có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như gậy chống nạng, giầy chỉnh hình. Nếu bệnh nhân có biến dạng bàn chân hoặc chai chân thì cần đi khám chuyên khoa chỉnh hình.
TS. NGUYỄN THANH BÌNH