Đau vai gáy là một chứng bệnh gặp ở người trưởng thành làm ảnh hưởng xấu không nhỏ đến sức khỏe người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi (NCT).
Bệnh Nếu không phát hiện và chữa trị đúng có thể gây biến chứng.
Khớp vai là một khớp chỏm cầu, vì thế biên độ vận động của khớp lớn, trong khi đó chỏm to, hõm khớp bé, bao khớp rộng và lỏng lẻo, phía trước mỏng, nên có thể bị trật khớp khi va cham mạnh hoặc càng về già khớp vai dễ thoái hóa góp phần vào căn nguyên gây đau vai, gáy.
Nguyên nhân
Ở NCT có rất nhiều nguyên nhân tại khớp vai (viêm, trật khớp vai, thoái hóa khớp vai…) làm cho vùng vai gáy luôn bị đau hoặc nguyên nhân từ ngoài khớp vai như tổn thương ở cơ, bao gân, dây chằng, thần kinh, mạch máu... Ngoài ra, đau vai còn do thiểu năng mạch vành, do u đỉnh phổi hoặc do thoái hóa cột sống cổ dẫn tới các dây thần kinh chi phối vùng vai và cánh tay bị chèn ép gây đau (còn gọi hội chứng vai gáy). Thoái hóa, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ hoặc do vẹo cổ bởi gối đầu cao hoặc nằm sai tư thế hoặc vẹo cổ bẩm sinh hoặc do dị tật. Đôi khi đau vai gáy do viêm, chấn thương hoặc do các tác nhân cơ học như ngồi lâu, cúi lâu hoặc do mang vác nặng sai tư thế nhất là công nhân đội than, cát từ tàu thuyền lên bờ. Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy có một số yếu tố thuận lợi gây thiếu máu cục bộ vùng vai, gáy như thói quen ngồi lâu trước quạt hoặc ngồi lâu trong phòng máy lạnh hoặc do ra ngoài trời không đội mũ, nón để ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào vùng gáy. Đau vai, gáy còn có thể do bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch (thiểu năng mạch vành…). Nên lưu ý là thoái hóa cột sống cổ gây đau vai gáy còn có thể đưa đến hậu quả xấu là gây nên bệnh thiểu năng tuần hoàn não do mạch máu bị chèn ép làm thiếu máu não.
Biểu hiện
Biểu hiện rõ nét nhất của hiện tượng tổn thương đốt sống cổ hoặc bị chèn ép dây thần kinh hoặc bị thiếu máu cục bộ đều có thể gây nên triệu chứng đau vai gáy. Đau vai gáy thường xuất hiện vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy. Sau một đêm ngủ, người bệnh, đặc biệt là NCT ngồi dậy bỗng dưng thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau vùng vai gáy, có khi đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi các cánh tay, cẳng tay và ngón tay rất khó chịu. Triệu chứng đau nhức vai, gáy kéo dài trong nhiều ngày thậm chí trong nhiều tháng, cá biệt có trường hợp đau lan xuống hông, sườn hoặc làm thiếu máu cơ tim do chèn ép các mạch máu rất nguy hiểm. Đau vai gáy có thể xuất hiện khi ngồi làm việc ở bàn giấy nhiều thời gian như đánh máy tính, cúi xuống đọc văn bản hoặc sửa chữa văn bản hoặc soạn giáo án (các thầy cô giáo)Để chẩn đoán nguyên nhân đau vai gáy, tại cơ sở y tế có điều kiện, ngoài việc thăm khám, hỏi bệnh (gối đầu cao, ngồi, cúi lâu, mang vác nặng thường xuyên…), người ta còn chụp X-quang cột sống cổ với các tư thế khác nhau (thẳng, nghiêng, chếch), chụp cắt lớp vi tính (CT), nếu cần thiết sẽ được chụp cộng hưởng từ (MRI) và cũng có thể đo điện não đồ, đo mật độ xương…
Biến chứng
Đau vai gáy kéo dài không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể dẫn tới nguy cơ teo cơ, liệt tay. Có một tỉ lệ thấp do đau vai gáy có thể gây nên liệt nửa người thậm chí gây nhồi máu cơ tim do mạch máu bị chèn ép.
Nếu cần thiết sẽ được chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán nguyên nhân
Nguyên tắc điều trị
Tốt nhất là xác định nguyên nhân để tìm cách khắc phục. Với các nguyên nhân do tổn thương tại khớp vai cần được khám chuyên khoa khớp để được điều trị đúng bệnh mới chóng khỏi và tránh biến chứng xảy ra. Xoa bóp, bấm huyệt đúng cách, đúng chuyên môn hoặc điều trị bằng lý liệu pháp và thực hiện đều đặn hàng ngày cũng có thể đem lại hiệu quả nhất định kết hợp với điều trị thuốc. Điều trị thuốc gì khi đau vai gáy cần có chỉ định của bác sĩ khám bệnh, không nên tự mua thuốc điều trị và cũng không nên điều trị ở những người không có chuyên môn về y học. Hiện nay, khoa học ngày càng phát triển cho nên về tây y có những loại thuốc dùng điều trị về bệnh thoái hóa khớp nói chung và bệnh thoái hóa khớp vai nói riêng khá hiệu nghiệm.Thuốc vừa điều trị giảm đau vừa điều trị phục hồi dần các tổn thương của khớp mà ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hóa của người bệnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Nếu đau vai vai gáy ở giai đoạn đầu, cần khắc phục nguyên nhân gây ra đau vai gáy mà chính bản thân người bệnh biết được như không đọc sách, đánh máy vi tính kéo dài nhiều thời gian trong một buổi, trong một ngày; không nằm kê gối cao quá cả tư thế nằm ngửa, cả tư thế nằm nghiêng. Một số nghề nghiệp không thể không ngồi lâu trong một thời gian dài như lái xe đường dài, công tác văn phòng, sửa chữa máy móc đòi hỏi tốn thời gian và tập trung trí não cao độ thì nên cố gắng nghỉ giải lao giữa giờ làm việc khoảng 15 - 20 phút. Bên cạnh đó, người bệnh có thể tập cúi xuống, ngẩng đầu lên hoặc quay đầu, xoay cổ nhẹ nhàng trong vòng từ 10 - 15 phút sau vài giờ làm việc liên tục. Tuy nhiên, trong những trường hợp đã được bác sĩ khám và xác định thoái hóa đốt sống cổ, gai cột sống cổ, khớp vai không nên làm các động tác như xoay cổ, vặn cổ, xoay lưng mạnh, nếu làm như vậy sẽ “lợi bất cập hại”, thậm chí nguy hiểm. Người ta cũng khuyên nên bỏ dần thói quen ngồi ở phòng máy lạnh nhiều giờ hoặc khi ra khỏi nhà cần độ mũ, nón để che nắng mỗi khi có ánh nắng mặt trời. Nên bỏ thuốc lá, thuốc lào vì chất độc trong thuốc lào, thuốc lá cũng đóng góp đáng kể trong bệnh gây thoái hóa khớp. Nếu đo mật độ xương có vấn đề không tốt nên nghe theo sự tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình cả về sử dụng thuốc, cả về chế độ ăn giàu chất canxi.
TTƯT.PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU