Hàng năm cứ mỗi khi thời tiết chuyển mùa, một số bệnh thường xuất hiện hoặc tái phát, trong đó có các bệnh về xương khớp, thường gặp nhất ở người cao tuổi (NCT). Nên làm gì để phòng bệnh xương khớp lúc chuyển mùa cho NCT?
Chuyển mùa, bệnh xương khớp dễ tái phát
Thời tiết chuyển mùa làm cho một số bệnh xuất hiện hoặc tái phát. Hiện tượng này gần như là yếu tố đặc trưng của khí hậu nước ta gây tác động xấu đến sức khỏe người bệnh, đặc biệt là các bệnh mạn tính liên quan đến thay đổi thời tiết, trong đó NCT chịu ảnh hưởng xấu về sức khỏe là không nhỏ. Bởi vì, chuyển mùa từ nóng sang lạnh, ẩm ướt, mưa nhiều, gió mùa, áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là độ ẩm trong không khí tăng cao, cơ thể sẽ tạo ra phản ứng để thích nghi với thời tiết bằng cách co các mạch máu ngoại vi, từ đó làm giảm tưới máu cho các cơ quan ngoại biên trong đó có da, cơ, xương, khớp. Các hiện tượng phản ứng lại của cơ thể ở NCT sẽ nên gây ra các biểu hiện như: đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.
Mặt khác các tế bào sụn khớp ở người cao tuổi tổng hợp rất ít protein và collagen. Điều này làm suy giảm độ bền cũng như khả năng tái tạo của sụn khớp. Khi tế bào sụn già không khôi phục được một cách nhanh chóng, các vết nứt sẽ xuất hiện ở vùng đáy sụn, thương tổn ban đầu xuất hiện và dần dần tiến triển thành thoái hóa khớp. Thêm vào đó, các sợi collagen type II trong sụn khớp trở nên mảnh, nhỏ hơn, lỏng lẻo và xoắn vặn gây thoái hóa chất nền sụn khớp. Khi sụn khớp bị phá vỡ, gân và dây chằng căng ra, xương chà xát với nhau gây nên những cơn đau nhức và giảm chức năng vận động. Ở trường hợp thoái hóa khớp nặng, các đầu xương lồi ra (mọc gai xương) chạm vào nhau, có khi chèn ép dây thần kinh và có thể gặp nguy cơ tàn phế suốt đời. Các triệu chứng xảy ra từng đợt nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị, về lâu dài sẽ gây đau đớn, thậm chí tàn phế ảnh hưởng trực tiếp đến lao động và sinh hoạt hàng ngày.
Thương tổn ban đầu xuất hiện và dần dần tiến triển thành thoái hóa khớp
Theo thống kê của ngành xương khớp, có khoảng 50% số bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh về cơ xương khớp và 50% số bệnh nhân mới đượcphát hiện. Đáng kể có 20% số bệnh nhân đến khám và điều trị tại các khoa xương khớp trong tình trạng bệnh nặng kèm biến chứng phải nhập viện có liên quan mật thiết đến thời tiết chuyển mùa. Vì vậy, các tác giả cho rằng thời tiết giao mùa chính là thời điểm thuận lợi để bệnh xương khớp tiến triển nặng hơn và cũng là yếu tố thuận lợi để tái phát bệnh khớp.
Dù ít có khả năng gây tử vong, nhưng bệnh cơ xương khớp nếu không được điều trị sẽ để lại những di chứng vô cùng nặng nề với người bệnh. Nó làm giảm hoặc mất đi khả năng vận động, lao động bình thường của người bệnh, ảnh hưởng trầm trọng đến sinh hoạt, kéo chất lượng cuộc sống đi xuống một cách không phanh…
Những bệnh về xương khớp có liên quan đến chuyển mùa
Ở NCT có vô số bệnh hoặc là mạn tính hoặc mới xuất hiện, trong đó các bệnh về xương khớp như: thoái hóa khớp cột sống cổ, khớp vai, thoái hóa cột sống lưng, thắt lưng, thoái hóa khớp gối, khớp bàn tay, bàn chân hoặc thoát vị đĩa đệm (lồi đĩa đệm) gây nên bệnh cấp tính hoặc mạn tính. Ngoài ra, NCT còn có thể mắc bệnh loãng xương (nhất là phái nữ), bệnh gút (chủ yếu ở phái nam). Đáng lo ngại nhất là bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng gây lồi đĩa đệm, nếu cấp tính sẽ đau thắt lưng gây ra hiện tượng khó nằm, khó ngồi (nằm đau, ngồi cũng đau), khó ngủ. Khi bị lồi đĩa đệm mạn tính sẽ bị chèn ép gây đau thần kinh tọa làm cho người bệnh vô cùng vất vả, đau đớn, nguy hiểm hơn có thể gây tàn phế (teo các cơ bắp chân, liệt...). Bên cạnh thoái hóa cột sống thắt lưng, NCT có thể bị thoái hóa khớp gối gây không ít khó khăn trong cuộc sống của họ. Đây là bệnh thường hay xuất hiện nhất, đặc biệt là lúc giao mùa làm cho người bệnh khốn khổ vì căn bệnh đó (đau, sưng nề, vận động khớp gối khó khăn do cứng khớp, nhất là các vận động gấp, duỗi cẳng chân, lúc lên hoặc xuống cầu thang).
Hoặc, một số NCT khi chuyển mùa, tự nhiên lúc ngủ dậy không vận động được khớp cổ tay, khó vận động khớp bàn ngón tay, khớp gối, cổ chân và khó thực hiện được các động tác nhỏ như đi lại, đánh răng, cầm bát đũa do khô khớp gây cứng khớp. Một số trường hợp nct mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, khi chuyển mùa khớp viêm, sưng đau ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh hoạt và đi lại của người bệnh. Bệnh gút có thể gặp ở một số NCT do lâm bệnh từ lúc trai trẻ kéo dài cho đến khi có tuổi hoặc không được chữa trị đúng hoặc chữa trị nhưng không khỏi hẳn và bệnh hay tái phát. Mắc bệnh gút hoặc bệnh gút tái phát khi đã có tuổi rất dễ nhầm với thoái hoá khớp hoặc viêm khớp dạng thấp vì đây là ba căn bệnh có thể gặp ở NCT. Bệnh gút, ngoài việc không kiêng khem đúng mức, chuyển mùa bệnh cũng rất dễ tái phát. Khi bệnh gút tái phát gây đau đớn nhất là bệnh thường đau tăng lên về ban đêm làm cho người bệnh mất ngủ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Nguyên tắc phòng bệnh
Khi bị đau nhức xương khớp, nhất là lúc giao mùa NCT nên đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng.
Hàng ngày nên vận động cơ thể, nhất là xoa bóp các khớp
Hàng ngày nên vận động cơ thể, nhất là xoa bóp các khớp thắt lựng, khớp gối, cổ tay bàn tay, cổ chân. Tốt nhất là xoa bóp có dầu hoặc các thuốc kem như dầu tràm, dầu gió, thuốc Deepheat, Fendel… Nếu bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, muốn tập vận động nên theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa khớp. Những ngày lạnh, mưa, ẩm ướt không nên ra khỏi nhà và không nên tắm, rửa nước lạnh.
Cần giữ ấm cho cơ thể nhất là các khớp gối, cổ chân, bàn chân, bàn tay. Nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm các việc nặng, tránh ngồi lâu một vị trí (nhất là thoái hóa cột sống thắt lưng, cột sống cổ), tránh ngồi xổm (thoái hóa cột sống thắt lưng). Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý (chú ý bổ sung đầy đủ protein và các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, D và ăn nhiều thực phẩm chứa canxi như: sữa, chế phẩm từ đậu, tránh ăn các thực phẩm kích thích, đông lạnh).