Rối loạn vị giác là tình trạng lưỡi giảm cảm giác nhận biết các vị, có thể xảy ra trong một thời gian ngắn hay kéo dài, bị suy giảm một phần hay toàn bộ. Khi khả năng nhận biết vị của lưỡi bị suy giảm (rối loạn vị giác) sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và gây ra tâm lý lo lắng.
Phân loại các rối loạn vị giác
Bệnh nhân bị rối loạn vị giác không cảm nhận được vị thức ăn ngọt, mặn, đắng, chua... và không thấy thức ăn ngon hay không ngon. Có khi bệnh nhân mất hết vị giác nhưng cũng có khi chỉ mất một phần vị giác hay cảm nhận sai lệch vị của một số thức ăn. Có thể phân loại rối loạn vị giác làm 2 trạng thái:
Giảm vị giác: Có các tình trạng như giảm cảm giác với mọi chất nếm, giảm vị giác một phần, chỉ giảm cảm giác với một vài vị, giảm vị giác hoàn toàn, loạn vị giác.
Mất vị giác: Là tình trạng bệnh nhân mất vị giác một phần, chỉ còn nhận biết một số chứ không phải toàn bộ cảm giác nếm; mất vị giác đặc biệt, không cảm nhận được vị của một số chất. Nặng hơn cả là mất vị giác hoàn toàn, mất hết chức năng vị giác, không còn phân biệt được ngọt, mặn, đắng, chua...
Có 3 vị trí gây ra rối loạn: tại các nụ nếm, dây thần kinh chuyển cảm giác nếm lên não, hoặc não không nhận biết được vị của hóa chất.
Chán ăn là một biểu hiện của rối loạn vị giác.
Đi tìm “thủ phạm”
Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn vị giác. Nguyên nhân hàng đầu là do tác dụng của một số thuốc điều trị. Nguyên nhân tiếp theo là do tổn thương dây thần kinh số 7 và dây thần kinh thiệt hầu số 9. Do nước bọt tiết ra ít khiến thức ăn không được hòa tan để nụ nếm tiếp thu vị. Do nhiễm nấm trên lưỡi nên gây mất vị giác. Ngoài ra, rối loạn vị giác còn do các nguyên nhân như mắc các bệnh mạn tính: béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp. Rối loạn vị giác cũng dễ gặp với các trường hợp: sau khi giải phẫu tai giữa, suy dinh dưỡng, nhổ răng hàm số 3; xạ trị ung thư đầu và cổ; ảnh hưởng của hóa chất diệt sâu bọ, hút quá nhiều thuốc lá,...
Chấn thương đầu có thể gây tổn thương những khu vực của hệ thần kinh trung ương, quan trọng cho quá trình kích thích vị giác. Nó gây giảm vị giác và thậm chí là khứu giác và trong một số trường hợp chấn thương đầu nghiêm trọng, tình trạng này có thể tồn tại mãi mãi.
Các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên có thể làm giảm vị giác là viêm xoang, viêm phế quản, viêm thanh quản. Trong trường hợp này, giảm vị giác là tạm thời và tình trạng sẽ tự hết khi các nhiễm khuẩn được chữa khỏi.
Viêm và các nhiễm khuẩn trong miệng có thể gây giảm vị giác vì các rối loạn răng miệng và vệ sinh răng miệng kém là một nguyên nhân gây khô miệng, nên tiếp nhận vị giác kém.
Cơ quan duy nhất trong cơ thể có thể sinh ra vị đắng chính là mật. Nếu cảm thấy đắng miệng, có thể là do mật đã có vấn đề mà thông thường là do gan mật nóng gây ra. Miệng đắng còn có thể thấy trong chứng bệnh ung thư. Người có cảm giác đắng miệng, thường kèm cả chứng đau đầu, chóng mặt, đại tiện táo bón, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng và vàng, mạch huyền... Nếu thường xuyên ăn thức ăn nóng sẽ khiến gan bốc hỏa, làm cho cơ thể mất nước và gây cảm giác đắng miệng.
Thuốc là một trong những nguyên nhân giảm vị giác. Vị giác của con người có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều loại thuốc khác nhau, bao gồm cả các thuốc kê đơn, thuốc bán không cần đơn...Thuốc có thể gây ảnh hưởng đến vị giác do làm giảm chức năng hoạt động của thần kinh vị giác hoặc làm biến đổi cảm nhận về vị hoặc gây ra vị giác ảo. Rối loạn này dễ gặp ở người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém... Các thuốc dễ gây rối loạn vị giác là: thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc kháng virut, corticoid... Thiếu vitamin B12 có thể dẫn tới giảm vị giác và khứu giác nếu không được điều trị trong thời gian dài.
Phục hồi vị giác như thế nào?
Các phương pháp điều trị rối loạn vị giác còn rất hạn chế. Nếu rối loạn vị giác liên quan đến thuốc có thể giải quyết bằng cách giảm liều thuốc, ngưng dùng thuốc hoặc chuyển sang dùng thuốc khác. Tuy nhiên trong một số trường hợp, rối loạn vị giác do thuốc có thể hồi phục rất chậm và diễn biến kéo dài sau khi ngừng thuốc. Nếu rối loạn vị giác do các bệnh thực thể, thì điều trị khỏi bệnh, tình trạng rối loạn vị giác sẽ hết. Có thể dùng nước bọt nhân tạo để điều trị khô miệng. Điều trị nhiễm khuẩn và nhiễm nấm ở khoang miệng có thể giúp cải thiện chức năng vị giác. Những rối loạn chức năng vị giác do chấn thương có thể tự khỏi trong quá trình phục hồi chấn thương. Rối loạn vị giác do tổn thương trong phẫu thuật dây thần kinh thừng nhĩ thường sẽ tự cải thiện sau 3-4 tháng. Song nếu cắt ngang dây thần kinh có thể gây loạn chức năng vị giác vĩnh viễn. Việc sử dụng kẽm và vitamin để điều trị mất vị giác được y khoa ưa dùng.
Ảnh hưởng do rối loạn vị giác
Nếu có các dấu hiệu chán ăn, giảm vị giác, thì nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt, bởi rối loạn vị giác có thể điều chỉnh được sau khi xác định nguyên nhân. Tình trạng rối loạn vị giác kéo dài sẽ chán ăn dẫn tới thiếu dinh dưỡng, xuống cân, giảm sức đề kháng bảo vệ cơ thể, dễ mắc bệnh. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến tử vong. Những người mất vị giác kéo dài còn có nguy cơ bị trầm cảm do sức khỏe giảm sút, do ăn uống không ngon miệng, do ức chế tinh thần... Nhưng, nguy hại hơn cả, mất vị giác cũng chính là mất đi một hệ thống cảnh báo những nguy hiểm mà chúng ta có thể gặp khi ăn phải thức ăn có độc tố, thức ăn gây dị ứng...
BS. Nguyễn Ánh