Những lưu ý khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Người cao tuổi là những đối tượng cần được sự quan tâm đặc biệt, nhất là khía cạnh sức khỏe. Lý do khi có tuổi con người dễ bị bệnh và có nguy cơ cao bị té ngã nếu không thực hiện các biện pháp an toàn.

Ở người già, các bộ phận cơ thể đều lão hóa, từ thần kinh, cơ, tim mạch, đến hô hấp, ruột, thận. Hệ tiêu hóa cũng bị suy yếu. Nhu động cơ của ống tiêu hóa bị giảm từ miệng đến thực quản, ruột. Thế nên người già hay khó nuốt, khó tiêu vì dịch tiêu hóa tiết ra ít và thường là không đủ. Chính vì vậy, khi chăm sóc người cao tuổi ở nhà cần đảm bảo không khí gia đình vui vẻ, đảm bảo dinh dưỡng đủ, vệ sinh sạch sẽ... 

Sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi thường bị ảnh hưởng của bệnh tật, sự suy yếu của các chức năng cơ thể. Khả năng nhìn-nghe kém, gân cốt suy nhược khiến bước đi không vững; phản ứng chậm, dễ bị ngã; trí nhớ kém khiến dễ uống nhầm thuốc hoặc nhầm liều lượng… Do đó, việc đảm bảo an toàn cho người già trong đời sống hàng ngày là rất quan trọng.

ảnh 1

Để đảm bảo an toàn cho người cao tuổi tại nhà, bạn cần lưu ý những bước sau:

Bước 1

Việc chăm sóc người già cần lưu ý, tránh nguy cơ té ngã từ những vật dụng tại nhà. Đồ dùng để cần tránh lộn xộn, trơn trượt, gây cản trở việc đi lại khó khăn. Không để các chướng ngại vật ở cầu thang và sàn nhà. Thêm đèn và tay vịn vào cầu thang và bất cứ chỗ nào cần thiết. Lau khô ngay khi sàn nhà bị ướt và chờ sàn nhà khô mới đi qua. Không có vật cản trở ở hành lang thông từ phòng này sang phòng khác, nhất là từ phòng ngủ sang phòng tắm.

Bước 2

Bỏ các tấm thảm, chúng sẽ khiến người già dễ bị trượt. Thêm thảm chống trượt ở bồn tắm và vòi hoa sen. Lắp các thanh vịn trong bồn tắm và vòi hoa sen. Giầy dép phải có đế bám sát trên mặt sàn hay mặt đường. Không nên mang tất khi đi đứng trên sàn nhà gỗ hay đá hoa vì trơn trượt. Để xà phòng và đồ dùng trong nhà tắm ở nơi dễ với tay lấy. Khi đứng lên hay ngồi xuống, nên chậm rãi, tránh té ngã vì chóng mặt, mất thăng bằng.

Bước 3

Cài đặt đèn ngủ tại các khu vực quanh nhà; ví dụ như trong phòng ngủ và ở hành lang bên ngoài phòng ngủ để có thể đi đến phòng tắm vào ban đêm. Lắp đèn trong phòng tắm, nhà bếp và khu vực sinh hoạt để tạo ra ánh sáng suốt ban đêm. Kiểm tra thiết bị báo cháy và thiết bị dò khí carbon ôxít có làm việc hay không. Cần có đầy đủ ánh sáng trong các phòng. Nút mở-tắt đèn nên đặt gần cửa ra vào cho tiện dùng. Các loại dây điện cần được thu gọn trong mép tường, không cản trở lối đi.

Bước 4

Cần lắp đặt các thiết bị điện thoại hoặc theo dõi cuộc gọi trong phòng ngủ để người cao tuổi dễ dàng liên lạc với người chăm sóc. Người già cũng cần sử dụng điện thoại di động và cài số điện thoại khẩn cấp. Khuyến khích họ để điện thoại trong túi khi bạn đi vắng. Bất cứ gia đình nào có cha mẹ già  đều phải có danh sách điện thoại khẩn cấp của bác sĩ và người gọi khẩn cấp, cũng như thông tin y tế về tình hình sức khỏe của cha mẹ bạn như tiểu đường hay bị bệnh tim.

Bước 5

Sử dụng gậy chống cần lưu ý, chiều dài của gậy phải vừa tầm. Khi bước đi thì gậy và chân đau phải chuyển động cùng một lúc. Bước lên cầu thang bằng chân không đau trước, rồi chống gậy và bước chân đau lên bậc thang, liên tiếp như vậy cho đến cuối bậc thang. Đi xuống thì làm ngược laị, nghĩa là chống gậy và đặt chân đau xuống bậc thang trước rồi mới di chuyển chân không đau. 

Bước 6

Cần sắp xếp lịch để đưa người cao tuổi đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, bạn cần kiểm tra các đơn thuốc và bỏ các đơn thuốc cũ, thuốc hết hạn sử dụng. Đảm bảo thuốc được dán nhãn rõ ràng và cất ở nơi an toàn. Giữ, cất các dụng cụ cần thiết ở các tầng tủ vừa tầm tay với tới.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""