Nguyên nhân nào gây thoái hóa khớp?

 Thoái hóa khớp là bệnh xương khớp phổ biến khi bước vào tuổi trung niên. Đối tượng mắc bệnh ở nữ nhiều hơn nam và ngày càng trẻ hóa lứa tuổi bị bệnh.

Biểu hiện là những tổn thương trên bề mặt sụn khớp, dẫn đến đau, sưng tại vùng khớp gối, vùng xương chậu khiến người bệnh bị hạn chế vận động và cuối cùng là không thể đi lại được.

Các nguyên nhân gây thoái hoá?

Thoái hóa khớp có biểu hiện lâm sàng là đau khớp và cột sống mạn tính, không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm, những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Có thể kể đến những nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp:

Quá trình lão hóa tự nhiên: Ở người trưởng thành, các tế bào sụn không có khả năng sinh sản và tái tạo. Khi con người già đi, cùng với sự lão hóa của cơ thể, các tế bào sụn cũng dần dần giảm chức năng tổng hợp chất tạo nên sợi colagen và mucopolysaccaride, làm cho chất lượng sụn kém dần, nhất là tính đàn hồi. Theo nghiên cứu thì những người mắc bệnh thoái hóa hóa khớp sẽ liên tục tăng nhanh sau tuổi 30 và tăng mạnh ở tuổi 65. Đặc biệt, với những người ở độ tuổi dưới 50 thì phụ nữ sẽ bị nhiều hơn nam giới và thông thường tập trung ở các khớp gối hoặc khớp bàn tay...

Nguyên nhân nào gây thoái hóa khớp?
 

Bẩm sinh: Các dị dạng bẩm sinh làm thay đổi diện tì nén bình thường của khớp và cột sống làm một số khớp phải chịu áp lực quá tải, lâu dài gây ra thoái hóa.

Di truyền: Người có cơ địa già sớm hoặc hệ thống xương khớp yếu. Nếu như trong gia đình có người bị bệnh thoái hóa khớp sớm thì rất dễ những người con cháu sau này cũng sẽ bị nếu không có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý.

Các biến dạng thứ phát: Sau các tổn thương do các bệnh lý xương khớp khác, các chấn thương do tai nạn, nghề nghiệp, loạn sản, làm thay đổi mối tương quan, hình thái của khớp và cột sống...

Sự tăng áp lực lên xương khớp: Do tăng cân quá mức như béo phì, tăng tải trọng do nghề nghiệp...

Nội tiết: Thiếu hormon ở nữ chính là một trong những yếu tố gây nên tình trạng thoái hóa khớp. Các rối loạn hormon trong thời kì mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương do nội tiết... làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.

Triệu chứng chung của thoái hóa khớp

Triệu chứng chính của thoái hóa khớp là đau nhức, đôi khi kèm theo cảm giác cứng khớp. Cơn đau thường âm ỉ và có khi thành cơn đau cấp khi vận động ở tư thế bất lợi. Thường đau nhiều vào buổi chiều và khi co duỗi các khớp, giảm đau về đêm và sáng sớm, những lúc nghỉ ngơi. Khớp có cảm giác bị cứng lại sau khi nghỉ ngơi, nhưng thường sẽ giảm sau một vài phút vận động.

Thoái hóa khớp càng nặng thì cảm giác đau hoặc cứng khớp càng dai dẳng hơn. Khớp có thể bị sưng, các cơ xung quanh trở nên mỏng hoặc yếu đi gây khó vận động. Các triệu chứng này thường rất đa dạng, diễn biến thất thường và không có nguyên nhân cụ thể. Khi thời tiết thay đổi, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn,  đặc biệt khi thời tiết ẩm đi kèm với giảm áp suất không khí giảm.

Các khớp và cột sống bị thoái hóa sẽ hạn chế vận động một phần, có khi hạn chế nhiều do phản xạ co cứng cơ kèm theo. Bệnh nhân có thể không làm được một số động tác như không quay được cổ, không cúi được sát đất, một số bệnh nhân có dấu hiệu phá hủy khớp.

Một số loại thoái hóa khớp thường gặp

Thoái hóa khớp gối: Khớp gối là khớp có lượng vận động lớn, thực hiện nhiều chức năng trong việc nâng đỡ cơ thể, điều khiển các cử động đi, đứng, gập, duỗi... do đó đây là khớp rất dễ bị tổn thương và dễ bị thoái hóa. Đặc biệt với những người thường xuyên đứng hoặc vận động khớp gối sẽ dễ dàng bị thoái hóa khớp gối hơn. Người bệnh bị thoái hóa khớp gối sẽ đi lại, hoạt động rất khó khăn. Đau khi đứng lên ngồi xuống, khi leo cầu thang. Khớp gối có thể bị sưng lên do bị tràn dịch khớp, và nặng hơn có thể bị biến dạng, teo ổ khớp...

Thoái hóa khớp háng: Thoái hóa khớp háng có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên. Ở thể nhẹ, thoái hóa khớp háng bắt đầu bằng những cơn đau sâu vùng đùi háng. Khi chuyển nặng, cơn đau có thể lan xuống đầu gối và toàn bộ chân.

Thoái hóa khớp ngón và bàn tay: Đây là chứng bệnh gây khó khăn trong việc cầm nắm và các hoạt động hàng ngày của người bệnh. Bệnh thường tác động lên vùng gốc của ngón cái và các khớp ngón tay. Các khớp sưng đau, đặc biệt là khi bệnh vừa mới bắt đầu. Sau đó, các khớp ngón tay có thể hình thành các nốt cứng, trở nên gồ ghề và cong nhẹ.

Thoái hóa cột sống thắt lưng: Đây là một trong những chứng thoái hóa thường gặp nhất. Cột sống là trụ đỡ của toàn bộ cơ thể, vì vậy nếu không có cơ chế nghỉ ngơi hợp lý sẽ rất dễ thoái hóa. Giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau nhiều khi mới ngủ dậy và thường diễn ra trong 30 phút. Sau đó, cơn đau sẽ giảm dần nhưng âm ỉ kéo dài cả ngày và thỉnh thoảng sẽ tăng lên khi người bệnh làm việc nhiều. Đôi khi bệnh ảnh hưởng đến thần kinh tọa khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống mặt trong đùi và chân.

Thoái hóa đốt sống cổ: Cột sống cổ là nơi nâng đỡ toàn bộ phần đầu, các đốt sống cổ hoạt động rất nhiều hàng ngày nên rất dễ bị thoái hóa. Biểu hiện của bệnh là cổ bị cứng, khó xoay chuyển kèm theo là đau cổ gáy rồi đau lan dần xuống vai và cánh tay, thỉnh thoảng có các cơn đau đầu không rõ nguyên nhân...

Thoái hóa khớp bàn chân và cổ chân: Thoái hóa khớp ở bàn chân thường tác động vào gốc của ngón cái, có thể làm ngón này bị cứng lại hoặc cong vẹo, khiến cho việc đi đứng trở nên khó khăn và đau đớn.

Thoái hóa khớp gót chân: Bệnh nhân có cảm giác thốn ở gót vào buổi sáng mới ngủ dậy, khi đi những bước đầu tiên, sau vài chục mét thì giảm đau và đi đứng bình thường.

Điều trị bệnh thế nào?

Mục đích chính của điều trị thoái hóa khớp gối là giảm đau, giãn cơ, chống viêm, giảm phù nề... cải thiện chức năng vận động chứ không phải điều trị tận gốc, loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, bác sĩ sẽ cho dùng một trong các loại thuốc trên hoặc kết hợp các loại thuốc và tập phục hồi chức năng khớp bằng vật lý trị liệu.

Các loại thuốc này  có thể giúp bệnh nhân giảm đau nhanh nhưng thường chỉ ngăn không cho bệnh tái phát chứ không thể đẩy lùi tình trạng bệnh. Nếu giai đoạn muộn và việc dùng thuốc không cải thiện, bệnh nhân có thể được chỉ định ngoại khoa.

Điều trị ngoại khoa: Có ba loại phẫu thuật được áp dụng, đó là, phẫu thuật dự phòng nhằm lập lại tình trạng bình thường các khớp có nguy cơ bị thoái hoá như trật khớp háng bẩm sinh, tiêu chỏm xương, nhuyễn sụn xương bánh chè, lệch trục đầu gối...; phẫu thuật bảo tồn khi khớp chưa bị hư hỏng nặng, có thể sửa chữa đưa về điều kiện cơ học của chức năng bình thường; và phẫu thuật thay thế trong trường hợp khớp quá hư hỏng, không thể phục hồi được, có thể thay thế từng phần, thậm chí toàn bộ khớp bằng khớp nhân tạo.

Nguyên nhân nào gây thoái hóa khớp?Béo phì làm tăng áp lực lên xương khớp...

Ngoài việc dùng thuốc điều trị bệnh, người bệnh cần có chế độ ăn hợp lý, chế độ tập luyện thể thao phù hợp. Người bị thoái hóa khớp cần tránh ăn các thức ăn có nhiều dầu mỡ. Nên tăng cường các thực phẩm xanh, chứa nhiều vitamin và các chất chống oxy hóa. Một số thực phẩm có chứa chất kháng viêm cũng có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho việc hỗ trợ điều trị như lá diếp cá, củ nghệ vàng... Ngoài ra  nên tích cực tập luyện thể thao đúng cách. Bộ môn phổ biến được khuyến khích nhiều nhất là đi bộ, bơi lội, tập yoga... Tập luyện đều đặn và đúng cách là cách tốt nhất để nhanh chóng hồi phục khỏi căn bệnh thoái hóa khớp.

                                                                                                                                 ThS. Nguyễn Thu Hiền

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""