Nguy hiểm từ ngộ độc thuốc Nam

ệnh viện đa khoa Lâm Đồng vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân trong cơn "thập tử nhất sinh" sau khi uống thuốc Nam. Thực tế, tại các bệnh viện trong cả nước gần đây tình trạng này đang có xu hướng gia tăng, thậm chí có không ít người tử vong. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia  về vấn đề này.

 Ngộ độc thuốc Nam đứng hàng thứ 5

nam2.jpg
Nếu sử dụng thuốc Nam tùy tiện, chất độc ngấm vào cơ thể
lâu, việc điều trị sẽ rất khó

Nhận xét của PGS.TS Nguyễn Thị Dụ, nguyên giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai: Ngộ độc do thuốc Nam đứng hàng thứ 5 trong các loại ngộ độc về thuốc và hiện nay đang có chiều hướng gia tăng. Trong thành phần các cây đều có hàm lượng độc tố ở các mức độ khác nhau, có những cây cực độc như củ ấu tầu: độc tố là aconitin, nấm: amotoxin... Trong khi đó, thuốc Nam lại được pha trộn từ nhiều loại cây, con vật độc (như mã tiền, sâu ban miêu), thậm chí nhiều thầy lang còn cho vào thuốc Nam là chu sa, thần sa, nhan môn... có hàm lượng kim loại nặng: chì, thủy ngân, asen... ở mức cao và nhiều độc chất khác khó xác định chính xác tên và hàm lượng nên bệnh nhân ngộ độc.

Điều khó khăn khi điều trị ngộ độc thuốc Nam là không có thuốc đặc hiệu, đa số người bệnh đã bị nặng do chất độc tích tụ trong cơ thể lâu (ngộ độc thuốc Nam hầu hết xảy ra từ từ, có người uống tới cả chục tháng mới bị). Các triệu chứng thường là rối loạn hệ thống tiêu hóa(nôn, đi ngoài...), sau 3 - 4 ngày, các tổn thương ở bộ phận tiêu hóa nặng lên, xuất huyết dạ dày, thủng ruột... rồi gây suy gan, suy thận, hỏng bộ phận thần kinh (co giật), liệt cơ, suy hô hấp, đái ra máu... Đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn. Nếu suy thận còn có thể chạy máu nhân tạo, truyền dịch... tuy rất tốn kém nhưng còn cứu sống được bệnh nhân chứ suy gan nặng thì rất khó khăn.

Có nhiều nguyên nhân gây phản ứng

thuocnam.jpg
Một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc Nam

Nhận xét của GS Hoàng Bảo Châu, nguyên giám đốc Bệnh viện Y học dân tộc: Ngộ độc thuốc Nam là do trong thuốc có độc và dùng quá liều. Để xác định nguyên nhân trước hết phải biết được nguồn gốc của loại thuốc gây độc. Nếu là thuốc của xí nghiệp thì phải biết thuốc đó đã được thử nghiệm trên lâm sàng (trên thỏ, trên chuột) và người tình nguyện chưa, nếu không có ngộ độc thì đây chỉ là phản ứng riêng của bệnh nhân.

Còn nếu của các ông lang, bà mế lấy ở rừng thì cần phải xem có lẫn những cây có chất cực độc như lá ngón không. Bởi các cây thuốc rất dễ nhầm lẫn, trước đây đã có trường hợp, ngay trong thang thuốc lục vị cũng nhầm lẫn có lá ngón gây ngộ độc. Chuyện nhầm lẫn các cây thuốc không chỉ xảy ra với các thầy lang vườn mà cả những người có bằng cấp đôi khi cũng bị nhầm. Do đó, phải xác định nguồn gốc của thuốc là yếu tố quan trọng.

Hiện nay cây thuốc không còn phải lấy từ tự nhiên mà được nuôi trồng nên nhiều khi thuốc còn có cả chất bảo vệ thực vật cũng gây ngộ độc cho người. Hoặc thuốc được sản xuất từ loài có độc, để có tác dụng trị bệnh nhưng không tuân theo nguyên tắc tăng dần như trước kia mà đưa luôn vào các viên thuốc, người uống không giảm liều khiến cơ thể không thích nghi được với liều thuốc mạnh ngay lập tức nên phản ứng. Như vậy là do cách chữa, cách cho uống thuốc.

Để tránh ngộ độc do thuốc Nam, tốt nhất khi bắt đầu uống thuốc không nên uống nhiều, để thăm dò xem cơ thể có phản ứng không, nếu không thì uống tiếp, còn nếu có ngộ độc thì dừng thuốc và phải đi cấp cứu. Tốt nhất, bệnh nhân nên khám và bốc thuốc tại các cơ sở tin cậy, có giấy phép hành nghề và khi dùng thuốc tuân thủ theo chỉ định của lương y. Đơn thuốc phải ghi thành phần thuốc, hàm lượng thuốc, cũng như liều lượng sử dụng.

 

nam1.jpg

Hãy mua thuốc Nam ở những cơ sở có uy tín

 

 

Thuốc Nam gây dị ứng rất nhiều

Nhận xét của BS Nguyễn Thanh Nhàn, trưởng khoa Phụ nữ và Trẻ em, Bệnh viện Da liễu TW: Mỗi tháng, bệnh viện Da liễu quốc gia thường tiếp cận hàng chục bệnh nhân dị ứng thuốc Nam phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân là do các bệnh nhân coi thuốc Nam là an toàn, không độc nên chỉ nghe đồn thổi về một thầy lang nào đó là đến cắt thuốc uống mà không biết rằng với bất cứ chứng bệnh nào, thầy thuốc cũng phải thăm khám lâm sàng, thậm chí xét nghiệm mới tìm ra nguyên nhân để bốc thuốc.

Thầy thuốc còn phải theo dõi tiến trình điều trị để điều chỉnh đơn thuốc thích hợp. Bất cứ loại thuốc nào cũn có chống chỉ dịnh và tương tác, việc tự ý uống nhiều loại thuốc cùng thời điểm cũng làm tăng nguy cơ dị ứng.

Thuốc Nam chữa xương khớp hầu hết chưa được kiểm chứng

Nhận xét của GS.TS Trần Ngọc Ân, chủ tịch Hội Khớp học Việt Nam: Hiện nay, mọi người hay sử dụng thuốc Nam để chữa các bệnh về xương khớp nhưng không biết các cây có tác dụng chữa xương khớp chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian, gia truyền... chưa được kiểm chứng, chứng minh. Duy nhất chỉ có lá lốt, trái nhàu, trinh nữ được nghiên cứu trên lâm sàng và thấy có tác dụng nhất định khi bệnh ở giai đoạn sớm.

Điều đáng lo ngại là nhiều cây tuy rất giống nhau nhưng có cây có thể dùng làm thuốc nhưng có cây lại có tính chất cực độc nên nguy hại cho người sử dụng. Nguy hiểm nhất là hiện nay, nhiều bệnh nhân xương khớp bị các tai biến béo phì, ngộ độc... là do dùng các loại thuốc gia truyền, trôi nổi đã được chế biến sẵn. Các thuốc này thường được trộn thêm thuốc tân dược như corticoit hoặc aspirin, mã tiền... khiến bệnh nhân thấy đỡ, tưởng nhầm là khỏi bệnh nhưng thực tế phải lệ thuộc vào thuốc và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo Thúy Nga

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""