Vào tháng 4 dương lịch hàng năm, người dân lại chia sẻ bài thuốc từ quả mơ, hoặc mua mơ về ngâm muối, ngâm đường, làm ô mai. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với lương y Bùi Hồng Minh về tác dụng của loại quả này.
Nhiều tác dụng chữa bệnh
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, quả mơ có chứa nhiều loại acid hữu cơ hỗ trợ rất tốt cho việc thúc đẩy quá trình tiết mật, làm co túi mật và kháng khuẩn.
Bên trong quả mơ có chứa acid citric và malic. Đây là hai chất quan trọng trong việc phòng ngừa và kháng lại vi trùng lao mycobacterium.
Theo y học hiện đại, so với nhiều loại quả, trái cây khác, trái mơ có chứa nhiều khoáng chất (phốt pho, can xi, sắt…) và protein hơn. Ngoài ra, trong trái mơ còn có beta-caroten. Chất này sẽ chuyển hóa trong cơ thể con người thành vitamin A nhằm bảo vệ mắt, ngăn ngừa ung thư da, ngăn chặn và làm giảm tác hại của các gốc tự do.
Bên cạnh đó, trong quả mơ còn chưa Vitamin B15 với tỷ lệ rất cao. Vitamin B15 có tác dụng chống sự lão hóa tế bào nhóm bảo vệ hệ hô hấp, tim mạch, viêm hoặc xơ gan thời kỳ đầu, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim…
Trong phần cùi của quả mơ có chứa lycopen, carotene, vitamin C, tinh bột, tanin, izooquexetin, men peroxydaza, quexetin, metylsalicylat, dextrin, pectin, đường sacaroza, ureaza, acid tactric và acid citric.
Theo đông y, quả mơ có vị chua, nếu chế với muối có vị chua, mặn, tính ấm, có tác dụng vào 3 kinh can, tỳ, phế.
Tác dụng của quả mơ giúp thông đờm, sát khuẩn, làm tăng bài tiết tản dịch, làm ra mồ hôi, giải nhiệt, cầm máu.
Từ xa xưa, quả mơ đã được dùng để chữa bệnh ho lâu ngày, tiêu chảy lâu ngày, lị lâu ngày, đái ra máu, băng huyết, giun đũa quấy gây nôn mửa, người nhiệt, háo, khát.
Người dân có thể dùng nước quả mơ ngâm đường có tác dụng giải khát, thanh nhiệt, giảm mồ hôi, giảm mất nước và muối trong lúc lao động chân tay, làm cho sức khoẻ bền bỉ, dẻo dai hơn.
Tác dụng của quả mơ giúp thông đờm, sát khuẩn, làm tăng bài tiết tản dịch, làm ra mồ hôi, giải nhiệt, cầm máu. (Ảnh minh họa, nguồn internet)
Mơ ngâm rượu thành rượu mơ có tác dụng bổ tỳ giúp ăn uống ngon miệng hơn, giảm triệu chứng khát nước.
Có thể dùng 2 – 5 gram mơ sắc với gừng, cam thảo uống. Lưu ý người bị trướng bụng đầy, ngoại cảm chưa hết, con gái chưa đến tuổi hành kinh, đàn bà mới đẻ không nên dùng.
Bài thuốc từ ô mai mơ
Theo Lương y Bùi Hồng Minh, mơ ngâm muối tạo thành ô mai mơ tác dụng chữa ho, trừ đờm, hen suyễn khó thở, phù thũng, ngâm hoặc sắc uống. Dùng ngày 3 – 6 gram chữa được giun chui ống mật. Ngoài ra còn dùng chữa chai chân, làm rụng trĩ ngoại.
Lương y Bùi Hồng Minh có bài thuốc chữa giun chui cuống mật từ ô mai mơ như sau: Khoảng 2 quả o mai mơ cho vào 300 ml nước đun sôi 15 phút, thêm đường cho vừa đủ ngọt, uống vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Bài thuốc chữa băng huyết: Ô mai mơ 4 quả, đem đốt toàn tính tán nhỏ chia 3 lần uống trong ngày. Dùng nước cơm để uống cùng.
Bài thuốc trừ giun gồm các vị: Ô mai 12g, phụ tử chế 12g, hoàng liên 6g, hoàng bá 06g, can khương 06g, xuyên tiêu 06g, quế chi 08g, tế tân 04g, đương quy 12g, đảng sâm 12g. Tán thành bột mịn, luyện với mật ong làm hoàn. Uống 2 lần/ ngày, mỗi lần 8g; hoặc sắc uống. Điều trị các chứng nôn ra giun đũa, giun đũa chui ống mật, chân tay lạnh toát, bụng đau dữ dội.
Dùng ô mai mơ 12g, đại hoàng 12g, mang tiêu 12g, binh lang 12g, chỉ thực 12g, vỏ rễ xoan 12g, xuyên tiêu 4g, mộc hương 6g, can khương 6g, tế tân 4g. Sắc để uống. Điều trị đau bụng do giun đũa.
Đối với quả mơ, lương y Minh lưu ý, nhân hạt mơ có độc vì có chất amygdalin. Chất này vào cơ thể sẽ thành hoạt chất HCN và andehyt benzoic hay benzandehyt. HCN có tác dụng đối với trung khu thần kinh, lúc đầu có tác dụng hưng phấn sau ức chế có thể dẫn tới co quắp, hôn mê.
Tuy nhiên, lương y Minh cho biết, đã có nghiên cứu khác chỉ ra rằng khi sử dụng quả mơ ngâm cả hạt những enzym có sẵn trong hạt mơ và những enzym khác trong dịch tiêu hoá, lượng HCN sẽ được phóng thích và hấp thu từ từ mà không sợ tổn hại cho cơ thể.
Theo P.Thuý (Infonet)