Mỗi cây một bệnh

 Trong kho tàng kinh nghiệm dân gian nước ta, việc dùng các cây thuốc để chữa trị và phòng ngừa bệnh tật đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của y học cổ truyền.

Mỗi cây có thể được dùng để chữa một bệnh đặc trưng hoặc chữa nhiều bệnh khác nhau, có thể dùng độc vị hoặc phối hợp với nhiều thảo dược khác. Một số đã được nghiên cứu hiện đại chứng minh, còn lại phần lớn là dùng theo kinh nghiệm truyền miệng từ lâu đời. Bài viết này xin được dẫn ra một số ví dụ điển hình để bạn đọc có thể tham khảo.

Đơn đỏ chữa dị ứng và kháng khuẩn

Đơn đỏ còn gọi đơn tướng quân, trong thành phần có chứa flavonoid, saponin, curmarin... có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, giải độc và chống dị ứng. Theo dược học cổ truyền, đơn đỏ vị cay đắng, tính bình, có công dụng khu phong, thanh nhiệt, thông kinh hoạt lạc và chỉ thống, là vị thuốc nam thường dùng để chữa mẩn ngứa, mày đay, mụn nhọt từ rất lâu đời ở nước ta. Có thể dùng bằng cách: (1) Đơn đỏ, ké đầu ngựa, kim ngân hoa, mã đề mỗi vị 12g, sắc uống. (2) Đơn đỏ 100g, tầm phỏng 100g nấu lấy nước tắm ngâm. (3) Đơn đỏ 30g sắc với 400ml nước cô còn 100ml chia uống 3 lần trong ngày. (4) Đơn đỏ 100g băm nhỏ, sắc kỹ với 1.000ml nước, sau đó bỏ bã cô thành dạng cao đặc rồi hòa với bột gạo nếp rang thơm và mật ong làm thành 20 viên, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên.

 

Cây la rừng.

Cây la rừng.

Hương phụ chữa kinh nguyệt không đều

    Hương phụ còn gọi là cỏ cú, trong thành phần có chứa cyperen, cyperol... và một chất có tác dụng tương tự oestrogen, có tác dụng giảm co thắt cơ trơn, giảm đau, chống viêm, điều hòa kinh nguyệt. Theo dược học cổ truyền, hương phụ vị cay đắng, tính bình, có công dụng điều kinh, thư can, chỉ thống, thường được dùng để chữa nhiều bệnh lý, trong đó có tất cả các căn bệnh liên quan đến kinh nguyệt. Để chữa kinh nguyệt không đều có thể dùng: (1) Hương phụ, ích mẫu, ngải cứu, bạch đồng nữ mỗi vị 5g, sắc uống trong ngày. (2) Hương phụ sao thơm, tán bột, uống 10g/ngày với nước ấm, tốt nhất là uống đón kinh trước 10 ngày. (3) Hương phụ 5g, đương quy 10g, bạch thược 10g, xuyên khung 5g, ô dược 5g, ngải diệp 3g, sắc uống. (4) Hương phụ 1.000g, chia làm 4 phần, mỗi phần ngâm tẩm với một trong 4 thứ là nước tiểu trẻ em (đồng tiện), nước muối, rượu trắng và giấm chua, nếu mùa xuân để 3 ngày, mùa hè để 1 ngày, mùa thu để 5 ngày và mùa đông để 7 ngày, sau đó đem sấy khô, tán bột, trộn đều, làm thành viên hoàn to bằng hạt ngô, mỗi ngày uống 10-12g, chia 2 lần sáng chiều. Thứ dược liệu này được gọi là hương phụ tứ chế.

    Cây la rừng chữa đau đầu do thay đổi thời tiết

    La rừng còn gọi là cây cà hôi, mọc nhiều ở miền núi và trung du nước ta. Trong thành phần của loại dược liệu này có chứa nhiều solasonin, solasodin, solaverin..., có tác dụng an thần, giảm đau, giảm căng thẳng, hạ huyết áp... Theo dược học cổ truyền, la rừng vị cay, tính bình, có công dụng sát trùng, tiêu thũng, cầm máu, chỉ thống. Để chữa chứng đau đầu do thay đổi thời tiết có thể lấy lá la rừng 1 nắm, giã nát rồi đắp lên hai bên thái dường, dùng băng dán cố định, giữ trong 2 giờ mỗi ngày, làm liên tục 5-7 ngày. Theo kinh nghiệm dân gian Malaysia, người ta cũng dùng lá la rừng giã nát nhưng đắp lên toàn bộ trán, lưu 1-2 giờ. Chưa có kinh nghiệm nào dùng đường sắc uống. Cần chú ý nghiên cứu thêm.

     

    Câu đằng.

    Câu đằng.

    Câu đằng trị sốt cao, co giật

    Còn gọi là dây móc câu, trong thành phần chính là alkaloid, được sắp xếp thành ba nhóm: oxindol, corynan và oxayohimban, có tác dụng hạ huyết áp, an thần, chống co giật, giải nhiệt, chống loạn nhịp tim. Theo dược học cổ truyền, câu đằng vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, bình can, tức phong, định kinh. Để hỗ trợ trị liệu sốt cao và co giật có thể dùng: (1) Câu đằng 9g sắc uống hoặc tán bột uống. (2) Câu đằng 3g, sài hồ 2g, xuyên khung 3g, đương quy 3g, bạch truật 4g, bạch linh 4g, sấy khô, tán bột chia uống 4 lần trong ngày, dùng chữa trẻ em sốt cao, co giật. (3) Câu đằng 15g, thiên ma 10g, thảo quyết minh 12g, sắc uống. (4) Câu đằng 12g, tang diệp 12g, cúc hoa 12g, hạ khô thảo 12g, sắc uống. (5) Câu đằng 16g, thiên ma 12g, sừng trâu nước 20g, cam thảo 4g, bọ cạp 6g, mộc hương 3g, sắc uống, chữa sốt cao, co giật. (6) Câu đằng 20-30g, thạch cao 12g, bạch phụ tử 12g, xác ve sầu 6g, bọ cạp 12g, ngô công 5 con, hoàng cầm 12g, lá dâu 20g, nam tinh 8g, sắc uống.

    ThS. Hoàng Khánh Toàn

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
    Hiển thị tất cả kết quả cho ""