Kiểm soát bệnh hen ở người cao tuổi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hen là một hiểm họa của loài người, là một trong các bệnh mạn tính hay gặp nhất.

Bệnh hen không chừa lứa tuổi nào, nhiều người lần đầu bị hen khi tuổi còn rất nhỏ, bệnh giảm dần khi lớn lên nhưng có thể tái phát khi về già. Đôi khi người ta cũng có thể bị hen lần đầu tiên khi tuổi đã cao.

Một số yếu tố khởi phát cơn hen

Người ta nhận thấy một số yếu tố có thể gây khởi phát cơn hen. Nhiễm khuẩn hô hấp do virut (virut hợp bào hô hấp, parainfluenza, cúm) là rất hay gặp. Cảm cúm, bụi nhà, các loại bọ nhà, bụi chăn đệm, lông móng các loài gia súc như chó mèo chuột thỏ, khói, phấn hoa, con mạt giường, tôm, cua, sò, hến cũng là các yếu tố kích phát hay gặp. Hen có thể xuất hiện sau khi bị trầm cảm, lo âu, mâu thuẫn cảm xúc, chấn thương tình cảm. Một số thuốc như: aspirin, kháng viêm NSAID điều trị viêm nhiễm, thuốc chẹn beta (B-blocker) điều trị tăng huyết áp, bệnh tim và ở dạng nhỏ mắt điều trị bệnh thiên đầu thống, một số phẩm nhuộm màu và chất giữ thực phẩm cũng gây cơn hen. Gắng sức (nhất là khi ngưng gắng sức), không khí lạnh, mãn kinh cũng gây hen.

Triệu chứng của hen phế quản

Cơn hen phế quản là triệu chứng chính và để nhận biết của bệnh hen. Triệu chứng báo trước thường là hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, đỏ mắt, ngứa mũi, chảy nước mắt, nước mũi, ho khan vài tiếng rồi xuất hiện khó thở. Ở giai đoạn đầu, khó thở chậm, khó thở ra, có tiếng cò cử mà người ngoài cũng nghe thấy. Sau đó, khó thở tăng dần, phải tì tay vào thành giường để thở, toát mồ hôi, mệt mỏi, tiếng nói ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài khoảng 10-15 phút, đôi khi hàng giờ hoặc có thể liên miên cả ngày không dứt. Sau cùng, cơn khó thở giảm dần và kết thúc là một trận ho và khạc đàm. Đàm có màu trong, quánh dính (đàm laenec). Bệnh nhân càng khạc đàm ra nhiều thì càng dễ chịu. Cơn hen thường xảy ra ban đêm (vì ban đêm có hiện tượng cường phó giao cảm), hoặc khi thay đổi thời tiết (do thay đổi độ ẩm trong không khí) hay khi có cácyếu tố khởi phát như trên.Cần kiểm soát và điều trị bệnh hen tránh để bệnh biến chứng.

Cần kiểm soát và điều trị bệnh hen tránh để bệnh biến chứng.

Cần loại trừ những bệnh dễ nhầm với hen

Bệnh hen là bệnh hay gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh hen hay bị bỏ sót vì ở người cao tuổi đôi khi khó nhận biết thực sự đây là bệnh hen hay là bệnh tim hay bệnh phổi khác vì các triệu chứng tương tự nhau nếu không hỏi kỹ. Người hút thuốc lá lâu năm thường bị viêm phế quản mạn và khí phế thũng cũng có triệu chứng giống hen. Bệnh tim cũng gây khó thở, đau ngực, tim, đôi khi ho cũng dễ nhầm với bệnh hen. Người cao tuổi hay lầm lẫn, trí óc suy kém nên khi khai bệnh thường hay nhầm lẫn và không chính xác nên gây khó cho thầy thuốc, dễ chẩn đoán sai. Một số bệnh dễ nhầm với hen là: Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường do thuốc lá, hội chứng nhiễm trùng, khó thở nhanh), viêm phế quản cấp dạng hen, viêm phế quản mạn, khí phế thũng, hen tim (tiền sử mắc các bệnh van tim như: hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ, tăng huyết áp, thở nhanh cả 2 kỳ).

Hậu quả của bệnh hen khi không kiểm soát tốt

Khi cơn hen xảy đến thì bệnh nhân khó thở dữ dội, có khi ngừng thở. Bệnh nhân có thể tử vong tại nhà hay trên đường đi cấp cứu. Ngoài ra, nếu hen chuyển thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì càng khó chữa trị hơn vì chức năng phổi không hồi phục hoàn toàn. Lâu ngày hen gây suy hô hấp mạn, rồi suy tim (còn gọi là tâm phế mạn). Chất lượng sống giảm do phải thường xuyên đi bệnh viện cấp cứu...

Điều trị hen ở người cao tuổi

Điều trị cắt cơn hen cấp bằng các thuốc giãn phế quản, kháng viêm, thở oxy. Các thuốc hay dùng như thuốc giãn phế quản: theophylin, salbutamol, thuốc kháng viêm loại corticoid: prednisolon, betamethason… Việc điều trị các thuốc này cần có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc để tránh các tác dụng phụ nguy hại không mong muốn. Bên cạnh đó, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường phải uống nhiều thứ thuốc hàng ngày nên có thể gây tương tác giữa các thuốc với nhau làm xuất hiện thêm nhiều phản ứng phụ không mong muốn khác hay làm giảm tác dụng của các thuốc. Vì vậy, người nhà phải thông báo cho bác sĩ điều trị biết rõ.

Người cao tuổi do lú lẫn nên có thể bỏ thuốc hay quên uống thuốc phòng trị hen nên có thể gây cơn hen kịch phát mặc dù đã được kiểm soát. Người bệnh cũng có thể không nhận biết các dấu hiệu báo bệnh trở nặng làm khó xử trí kịp thời. Lại còn thói quen hút thuốc lá làm kịch phát cơn hen. Ở người cao tuổi, chức năng gan thận đã có sự suy giảm nên khó thải hết thuốc dẫn đến bị nhiều tác dụng phụ có hại. Cấu trúc và chức năng của đường hô hấp bị biến đổi và suy giảm do quá trình lão hóa nên sự đáp ứng với thuốc kém đi.

Người có tuổi thường hay quên nên người nhà phải chia thuốc uống hàng ngày, từng buổi cho bệnh nhân. Tay chân lại hay bị run nên khó sử dụng thuốc dạng xịt, khí dung, vì vậy người nhà phải hỗ trợ. Người nhà cần theo dõi kỹ để phát hiện các dấu hiệu trở nặng bệnh và các tác dụng phụ của thuốc ở người bệnh để có hướng xử trí kịp thời.

Lời khuyên của bác sĩ

Dẫu rằng quản lý bệnh hen tốt cần dựa vào thuốc ngăn ngừa và điều trị triệu chứng, nhưng có thể ngăn ngừa cơn hen xảy ra bằng nhiều cách khác nhau.

Tránh hoạt động thể lực quá sức không cần thiết. Tránh tiếp xúc với bụi, khói, nhất là khói thuốc lá. Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng hô hấp. Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kịch phát cơn hen, sử dụng điều hòa không khí. Nếu không có điều hòa không khí thì phải giữ kín cửa sổ trong mùa phấn hoa, giữ sạch không khí trong nhà. Không nên nuôi chó mèo trong nhà. Vệ sinh giường chiếu sạch sẽ. Tập thể dục thường xuyên, nhưng cần lưu ý là phải vừa sức, không nên gắng sức. Nhờ tập thể dục mà tăng cường chức năng tim phổi. Duy trì trọng lượng ở mức hợp lý vì thừa cân và béo phì sẽ làm trầm trọng hơn các triệu chứng hen.

Ăn nhiều rau quả tươi, chẳng hạn các loại rau có màu xanh đậm như: xà lách, cải xoong, súp lơ, cải bó xôi, các loại quả có màu vàng hoặc tím như cà chua, bí đỏ, đu đủ chứa nhiều vitamin A, C, E làm tăng cường hệ miễn dịch, giàu chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng bệnh tật.

 

                                                                                     BS. NGÔ VĂN TUẤN

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""