Hết khản tiếng, cách gì?

 Khản tiếng là một chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người trưởng thành gặp tỷ lệ cao hơn cả. Khản tiếng ảnh hưởng không nhỏ đến giao tiếp tùy theo mức độ nhẹ hay nặng, tạm thời hay kéo dài.

Giọng nói của con người được phát ra từ thanh quản. Thanh quản là một bộ phận của đường hô hấp trên, được cấu tạo bởi nhiều dây thanh và có chức năng phát ra âm thanh khi có luồng không khí từ phổi đi lên làm rung các dây thanh của thanh quản. Khi không khí đi ngang qua vùng họng, luồng không khí này làm rung động hai dây thanh đang khép kín ở thanh quản và tạo ra âm thanh. Nhờ vậy chúng ta có thể nói, cười, ca hát, thậm chí la hét thật to, ngay cả việc thể hiện mọi cảm xúc thông qua giọng nói phát ra nhờ rung động của dây thanh âm.

Nội soi giúp phát hiện chính xác bệnh. Ảnh: TM

Khản tiếng do đâu?

Khản tiếng xảy ra cấp tính hoặc khản tiếng kéo dài, mạn tính với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có hai nguyên nhân chủ yếu gây khản tiếng là tổn thương tại thanh quản, đặc biệt là hai dây thanh và tổn thương hệ thần kinh chi phối giọng nói. Nguyên nhân tổn thương tại thanh quản có thể do viêm nhiễm (viêm cấp tính hoặc viêm mạn tính) do vi sinh vật gây ra, thường hay gặp nhất là do virut. Một số trường hợp viêm dây thanh quản do nghề nghiệp phải nói nhiều, nói to (giáo viên, thuyết trình viên, phát thanh viên, diễn viên...). Đặc biệt, có một số trường hợp khản tiếng, dây thanh bị viêm do vi khuẩn lao hoặc do u ác tính gây ra. Một số khản tiếng có thể do dây thanh âm bị hạt xơ, nang nước hoặc polyp. Ngoài ra, khản tiếng có thể do thay đổi thời tiết, nóng lạnh thất thường, uống nước lạnh (nước đá, bia lạnh, ở phòng máy lạnh...) hoặc gặp ở một số người làm việc trong môi trường tiếng ồn cao, nhiều khói bụi, nhiều chất độc hại, bụi bẩn, nhất là bụi than đá hoặc bụi hóa chất hoặc gặp ở người nghiện thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu, bia hoặc gặp ở một số người có mắc các bệnh về đường hô hấp trên mạn tính (viêm họng, mũi, viêm amiđan, viêm xoang...). Có thể gặp khản tiếng do dây thần kinh quặt ngược bị tổn thương. Đây là hai nhánh của dây thần kinh sọ não số X, chúng được tách ra từ ngực rồi quặt ngược đi lên để chi phối hai dây thanh âm. Khi những nhánh dây thần kinh này bị tổn thương, bị liệt, hai dây thanh cũng sẽ bị tổn hại, gây khản tiếng. Ngoài ra, khản tiếng còn có thể do liệt dây thanh đơn độc hoặc do những bệnh lý u não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, viêm não. Khản tiếng cũng có thể là triệu chứng của các bệnh ung thư thực quản, khí quản, tuyến giáp trạng, trung thất...

Biểu hiện của bệnh

    Khản tiếng cấp kèm theo các triệu chứng đau họng, ho, rát họng, họng bị viêm tấy đỏ. Nếu điều trị đúng phương pháp và hạn chế nói đến mức tối đa, bệnh có thể khỏi hẳn trong một thời gian ngắn.

    Khản tiếng kéo dài, mạn tính: Nếu dây thanh viêm nhiễm lâu ngày hoặc xơ hóa dây thanh, hoặc những tổn thương thực thể như polyp, u nang, hạt xơ dây thanh làm cho dây thanh dày cứng, kém rung động, hoặc nặng hơn là tổn thương dây thần kinh thanh âm, khản tiếng sẽ hay tái phát và trở thành khản tiếng mạn tính, kéo dài rất khó khắc phục.

    Để chẩn đoán nguyên nhân khản tiếng cần được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám. Hiện nay, kỹ thuật nội soi đang phát triển và cho kết quả khá khả quan. Trong trường hợp nghi do viêm bởi vi sinh vật sẽ được lấy bệnh phẩm qua nội soi để chẩn đoán vi sinh hoặc xét nghiệm tế bào khi nghi ngờ do u ác tính hoặc nghi do lao thanh quản.

    Nguyên tắc điều trị

    Khi khản tiếng nên đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị càng sớm bệnh càng chóng khỏi và hạn chế tái phát. Về nguyên tắc, nếu viêm thanh quản cấp không phải ác tính, chỉ cần cho thanh quản nghỉ ngơi bằng hình thức hạn chế nói đến mức tối đa, đặc biệt không nói to, gào thét. Nên xông hơi, uống nước nóng (có pha chanh hay mật ong càng tốt), cần bỏ thuốc (nếu nghiện hút thuốc).

    Phòng bệnh là nguyên tắc chủ đạo

    Cần vệ sinh răng, miệng, họng sạch sẽ hàng ngày, giữ ẩm và ấm cho vùng hầu họng, tránh lạnh đột ngột (nước lạnh, bia lạnh, phòng máy lạnh), tránh xa môi trường có không khí bị ô nhiễm. Tránh nói to, nói nhiều, với nghề đặc thù (phải nói nhiều), nên có công cụ hỗ trợ (micro, máy chiếu).

    BS. Việt Thanh

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
    Hiển thị tất cả kết quả cho ""