Gánh nặng bệnh tật do lạm dụng rượu, bia

Hiện chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) đứng thứ 116/182 trên thế giới, nhưng chỉ số sử dụng rượu, bia của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29 trên thế giới.

Có lẽ vì thế mà cũng theo thống kê khoảng 70% người dân Việt Nam đều ít nhiều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu, bia. Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua. Cũng tại hội thảo này, Bộ Y tế đã đề xuất các phương án bán rượu bia theo giờ.

70% người dân Việt Nam đều chịu tác động trực tiếp/gián tiếp của rượu, bia

Phân tích bức tranh toàn cảnh về việc sử dụng rượu, bia tại Việt Nam, bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết, hiện tỷ lệ sử dụng rượu, bia ngày càng tăng báo động.

Năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Sản lượng rượu thủ công năm 2016 đạt 188 triệu lít, trong đó sản lượng rượu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép năm 2016 là 32 triệu lít.

Rượu bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông...

Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỉ USD/ năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300 USD người/năm, trong khi chi tiêu cho y tế cùng thời kỳ chỉ bình quân 113 USD/người. Bà Hạnh cũng thông tin thêm, dự tính của Việt Nam, vào năm 2025, Việt Nam tăng mức độ tiêu thụ số cồn khoảng 7 lít cồn/năm, nhưng con số thực tế theo dự kiến của Tổ chức Thương mại Thế giới có thể còn cao hơn nữa, ở mức 8,6 lít cồn/năm.

Đây là con số quá cao so với dự kiến, báo động về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam. Đặc biệt, tại hội thảo các chuyên gia cho rằng, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng đáng quan ngại, tăng gần 10% số trẻ vị thành niên/thành niên có sử dụng đồ uống có cồn này sau 5 năm, với tỷ lệ nam chiếm 79,9% và nữ chiếm 36,5%.

Nhấn mạnh tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, bia rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (60%); gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội (30%).

    “70% người dân Việt Nam đều ít nhiều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu, bia. Thiệt hại của rượu, bia lớn hơn gấp nhiều lần so với giá trị kinh doanh của rượu, bia mang lại. Rượu, bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong số 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, tim mạch, ung thư...” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

    Chia sẻ thêm, bà Hạnh cho rằng, không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe trong sử dụng rượu, bia. Hiện nay cũng có một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. “Đây là quan niệm không đúng bởi vì tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu, bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng)” - bà Hạnh khẳng định.

    Sử dụng rượu, bia có mối quan hệ nhân quả với 7 loại ung thư như vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng... và rượu, bia cũng có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác nhau như tuỵ, máu, gây rối loạn chuyển hoá nguyên nhân gây ra các bệnh tiểu đường, mỡ máu, tăng huyết áp.

    Quy định bán rượu, bia theo giờ

    Vấn đề được dư luận quan tâm nhất của dự thảo luật này là quy định về địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia. Hiện Bộ Y tế có ba phương án, trong đó: Phương án 1: Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 11-14h và 17-22h hàng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch; Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6-22h, hằng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch; Phương án 3: Thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ trong trường hợp cần thiết căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tác hại rượu, bia.

    Theo ông Nguyễn Huy Quang -  Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, đến nay Bộ Y tế chưa chọn phương án nào và sẽ chọn lựa phương án sau khi được đem ra lấy ý kiến, theo lựa chọn của số đông.

    Ông Quang cũng cho biết, quy định bán rượu, bia theo giờ đã được Thái Lan áp dụng rất tốt, cấm bán rượu, bia ngoài giờ ăn.

    “Rượu, bia cũng là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở nam giới từ 14 - 49 tuổi. Do đó, để đảm bảo an toàn giao thông, dự thảo đề xuất mọi người điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, lái tàu bay, tàu hoả và các phương tiện đường thuỷ không được có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông” - ông Quang nói.

    Theo thống kê, hiện có gần 20 quốc gia cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia và khoảng 20 nước quy định nồng nộ cồn trong máu không được vượt quá 20 miligam/100 ml. Thông thường, chỉ cần uống 65ml rượu 40 độ, tương đương 1 chén rượu trung bình hoặc nửa lít bia, sau 30 phút, nồng độ cồn trong máu có thể đạt tới 50 miligam/100ml máu.

    Theo ông Nguyễn Huy Quang, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia sẽ kiểm soát chặt chẽ nhu cầu sử dụng rượu, bia, đưa ra các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống tác hại rượu, bia để nâng cao sức khỏe cộng đồng. Dự thảo này đã được họp lấy ý kiến rất nhiều lần và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ năm diễn ra vào tháng 10/2018.

    Nguyễn Hoàng

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
    Hiển thị tất cả kết quả cho ""