Đô thị thông minh: Đòn bẩy để TP.HCM phát triển vượt bậc

 Mới đây, UBND TP.HCM đã công bố đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đề án này sẽ được thông qua trong thời gian sớm nhất.

Đề án với mong muốn hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỉ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng.

Trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông. Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe.

Dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc.

Trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế... Người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm, bác sĩ không mất thời gian tra cứu thông tin của người bệnh từ các hồ sơ sổ sách. Chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao, các sai sót y khoa cũng được hạn chế.

Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó đánh giá được các nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm trước khi lựa chọn sử dụng. Ngoài ra, người dân có thể truy xuất được nguồn gốc của nhiều loại thực phẩm...

Trong lĩnh vực môi trường, khi TP giám sát được chất lượng môi trường theo thời gian thực sẽ nhanh chóng có biện pháp xử lý các tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

    Trong chống ngập, các hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi và cung cấp các thông tin về dòng chảy và thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi cho TP như mưa, triều cường và mực nước dâng cao để áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp của hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp.

    Về an ninh trật tự, người dân và doanh nghiệp (DN) được sinh sống và làm việc trong môi trường an toàn, an ninh cao. Các cơ sở dữ liệu được số hóa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi không còn phải photo nhiều giấy tờ như CMND, hộ khẩu, điền tay và thực hiện nhiều thủ tục.

    Trong vấn đề phát triển đô thị, các dữ liệu mở về quy hoạch đô thị cho người dân có thể truy cập và tìm thông tin một cách nhanh chóng trong các giao dịch, đẩy mạnh tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.

    Sau khi được thông qua, TP.HCM sẽ chính thức “bật đèn xanh” mời gọi hợp tác cung cấp giải pháp và ứng dụng từ tất cả các DN, tổ chức…

    Theo Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, có 4 trụ cột chính sẽ trở thành bộ khung định hướng cho tất cả các hạ tầng và ứng dụng gồm: Trung tâm dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng quy hoạch chiến lược và Trung tâm an toàn thông tin.

    Khoảng 1 năm qua, Ban điều hành Đề án đô thị thông minh của TP.HCM đã tiến hành làm việc với các viện, trường, các cơ quan nghiên cứu, giới DN khoa học công nghệ để xây dựng một số chương trình mục tiêu xúc tiến khâu nghiên cứu bộ khung cho thành phố thông minh theo những tiêu chuẩn công nghệ nhất định. Các ứng dụng và sản phẩm của bất kỳ DN, tổ chức nào được xây dựng trên cơ sở này sẽ không chỉ kết nối, chia sẻ được dữ liệu với nhau mà còn có thể thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ trong tương lai của thế giới.

    Chủ trương của TP.HCM là mong muốn làm dần, từ những quy mô nhỏ và bằng chính nguồn nội lực trong nước chứ không phải hoàn toàn đi mua các công nghệ nước ngoài. Bởi bên cạnh chuyện chi phí lớn thì kinh nghiệm cho thấy những dự án hoàn toàn nhập khẩu công nghệ nước ngoài thường có độ “vênh” với thực tế trong nước, không ít khi gặp thất bại, bởi từng địa phương, từng quốc gia, từng nền văn hóa có những đặc thù riêng.

    Hy vọng với những quyết sách hợp lý, đề án trên thực sự trở thành cú hích cho TP.HCM phát triển vượt bậc. Đồng thời đây cũng là làn gió mới thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế, ngoài những tiện ích do đô thị thông minh mang lại, có một ưu điểm lớn của đô thị thông minh - đó là thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện và phát triển bao trùm.

    TRUNG KIÊN

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
    Hiển thị tất cả kết quả cho ""