Có mối liên quan giữa giấc ngủ và ung thư phổi?

Ung thư phổi có thể làm suy giảm chức năng phổi, dẫn đến gián đoạn giấc ngủ ở một số người. Tuy nhiên rối loạn giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi hoặc làm xấu đi tiên lượng ở một số bệnh nhân.

Chúng ta đều biết rằng nghỉ ngơi ban đêm tốt sẽ rất hữu ích cho sức khoẻ. Nhưng nguyên tắc cơ bản này thậm chí còn đúng hơn khi nói đến ung thư. Khoa học đang ngày càng gợi ý rằng chức năng quan trọng của giấc ngủ có thể có vai trò nhiều hơn trong bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, cũng như trong tiến triển của bệnh.

Các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định liệu giấc ngủ có liên quan hay không và liên quan như thế nào với sự phát triển và tiến triển của các loại ung thư khác nhau, nhưng có một số bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa ung thư phổi và giấc ngủ có liên quan đến hai điều kiện khác là sự gián đoạn nhịp sinh học và chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn .

Quỹ giấc ngủ quốc gia Mỹ định nghĩa nhịp sinh học "về cơ bản là đồng hồ nội bộ 24 giờ hoạt động dựa trên não và các chu kỳ giữa ngủ và thức theo những khoảng thời gian đều đặn”.

Mặc dù vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về cơ chế hoạt động của nhịp sinh học, nghiên cứu gần đây về tác động của làm việc ca kíp đối với cơ thể đã chỉ ra rằng làm việc ca đêm có thể làm tăng nguy cơ bị một số loại ung thư.

Nghiên cứu này tập trung nhiều vào ung thư vú, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy phá vỡ nhịp sinh học cũng có thể đi kèm với tăng nhẹ nguy cơ phát triển bệnh ung thư của hệ tiêu hoá và phổi.

Ngưng thở khi ngủ gây ung thư nhanh...

Theo BS. Reena Mehra, giám đốc nghiên cứu về rối loạn giấc ngủ tại Cleveland Clinic, thì đáp ứng miễn dịch viêm có thể là cơ chế nền của những liên hệ này.

"Đây là một lĩnh vực nghiên cứu còn non trẻ và đang phát triển, nhưng mục tiêu cuối cùng là xem chúng ta có thể làm gì để can thiệp giảm thiểu sự phát triển của ung thư, tiến triển của ung thư và điều trị ung thư tốt hơn" bằng cách tận dụng hiểu biết về nhịp sinh học và sự liên kết của nó với sức khoẻ. (Thời trị liệu - chronotherapy - là một lĩnh vực điều trị đang phát triển dành cho một vài loại ung thư mà thời điểm dùng thuốc và các điều trị khác đồng bộ với nhịp sinh học để cải thiện đáp ứng của cơ thể).

Cụ thể với ung thư phổi, một lĩnh vực khác cần được quan tâm là tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Những người bị tình trạng này thực sự ngừng thở khi họ đang ngủ, dẫn đến lượng ôxy trong máu thấp. BS. David Gozal, giảng viên nhi khoa, thần kinh học và sinh học thần kinh học tại Đại học Chicago, chia sẻ: "Cách tốt nhất để giải quyết hiện tượng này là thức giấc.

Gozal và nhóm nghiên cứu của ông đã tiến hành một số nghiên cứu trên động vật nhằm xem xét ảnh hưởng của sự sụt giảm ôxy này trong cơ thể - được gọi là tình trạng thiếu ôxy không liên tục.

Một nghiên cứu năm 2016 xuất bản trên tạp chí CHEST thấy rằng ở những con chuột bị cả khối u phổi và ngưng thở khi ngủ, "khối u phát triển nhanh hơn và ác tính hơn nhiều ở tại chỗ ", ông nói.

Mô hình này không xem xét đến bệnh di căn - ung thư giai đoạn 4 đã lan sang các cơ quan khác - nhưng Gozal đã đưa ra giả thuyết lý giải tại sao ngưng thở khi ngủ lại khiến tiên lượng bệnh xấu đi. Giấc ngủ bị gián đoạn dẫn tới sự thay đổi trong "cách hệ miễn dịch đáp ứng với sự hiện diện của khối u". Có vẻ như việc thức giấc thường xuyên khiến "các tế bào mất khả năng xác định và chống lại hoặc tiêu diệt tế bào ung thư".

Hơn nữa, Gozal đã phát hiện ra rằng "nhiều tế bào ung thư, khi gặp phải tình trạng thiếu ôxy không liên tục, có khuynh hướng trở nên kém biệt hóa hơn. Nói cách khác, chúng trở nên giống với tế bào gốc hơn, một dấu hiệu xấu của ung thư. Càng kém biệt hóa, các tế bào càng hung hãn hơn và càng dễ sinh sôi nảy nở nhanh hơn, xâm nhập mạnh hơn vào các mô tổ chức khác. Khi bạn thức dậy nhiều lần để cố thở, ảnh hưởng đến khối u là rất rõ ràng".

Một lần nữa, sự gián đoạn giấc ngủ có vẻ làm thay đổi cách hoạt động của hệ miễn dịch và "đóng vai trò chống lại tuyến phòng ngự chống ung thư, tạo điều kiện cho sự phát triển và xâm lấn tại chỗ của những khối u này".

... và hại cho cả người bệnh ung thư

Ngay cả khi không bị ngưng thở khi ngủ, ung thư phổi cũng làm suy giảm chức năng phổi ở một số người, có thể dẫn đến gián đoạn giấc ngủ. Ở một số bệnh nhân, một tình trạng gọi là tràn dịch màng phổi sẽ dẫn đến sự tích tụ chất dịch quanh phổi gây khó thở nhiều hơn. Và những bệnh nhân bị bệnh nội khí quản đôi khi phát triển khối u xâm nhập vào đường thở. "Có rất nhiều thứ týp ung thư phổi và cũng có loại [triệu chứng] đôi khi là những tác nhân phá hoại giấc ngủ".

Nhiều bệnh nhân ung thư phổi cũng bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác có thể ảnh hưởng đến chức năng và phổi của phổi làm giảm chất lượng giấc ngủ, đồng thời làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi trong một số trường hợp. Một người bị ung thư phổi có khi không thể nằm thẳng trong khi ngủ. Và chỉ đơn giản là nhận được tin bị ung thư cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ do lo lắng và sợ hãi. Stress gây mất ngủ. Thuốc hóa trị đôi khi cũng làm gián đoạn giấc ngủ. Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến việc bạn có ngủ ngon ban đêm hay không sau khi có chẩn đoán ung thư phổi.

Vì vậy, có thể làm gì nếu quan tâm đến nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi hoặc nhằm mục đích nghỉ ngơi tốt nhất trong thời gian điều trị bệnh?

BS. Ulysses Magalang nói: "Nền tảng cho giấc ngủ ngon ban đêm là các kỹ thuật hành vi. Vì vậy, hãy ưu tiên giữ giờ ngủ và thức đều đặn”.

Ông cũng khuyên nên sử dụng kỹ thuật thư giãn, như thiền hoặc chính niệm trước khi đi ngủ. "Cũng đảm bảo phòng ngủ hoàn toàn tối trong giờ ngủ, vì ánh sáng có tác dụng tỉnh táo". Ngay cả khi được kê đơn thuốc ngủ để sử dụng tạm thời khi đang điều trị ung thư phổi, vẫn nên sử dụng các kỹ thuật vệ sinh giấc ngủ tốt.

BS. Mehra khuyên đặt mục tiêu ngủ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm, tránh ngủ lặt vặt vào ban ngày và kiểm soát đau. "Nếu đau liên quan đến ung thư phổi - ví dụ, nếu ung thư đã lan đến xương – thường gây đau nhiều. Vì vậy, điều trị rằng đau để đảm bảo không ảnh hưởng đến giấc ngủ có thể rất, rất quan trọng".

Nếu bạn không bị ung thư nhưng lo lắng về nguy cơ hoặc có các yếu tố nguy cơ di truyền, hãy chú ý đến giấc ngủ. Không có dữ liệu chắc chắn chứng minh rằng điều trị chứng ngưng thở khi ngủ sẽ làm giảm khả năng phát triển ung thư, nhưng chắc chắn, các số liệu cơ học cho thấy tình trạng thiếu ôxy không liên tục, nếu không được điều trị, làm tăng viêm và stress ôxy hóa, mà chúng ta biết là những cơ chế này tham gia trong sự phát triển của ung thư Cùng với nhịp sinh học – hãy giảm thiểu tiếp xúc với ánh sáng ban đêm càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ giúp ích vì ánh đèn đêm ức chế melatonin, một loại hoóc-môn giúp ngủ ngon. Tiếp xúc ánh sáng ban đêm sẽ không cho phép melatonin tăng lên, và bản thân melatonin có đặc tính chống oxy hoá.

Cẩm Tú

Theo US News

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""