Không thể đếm xuể một năm người Việt Nam mình ngứa mắt bao nhiêu lần nhưng người ta có thể tổng kết ra quy luật: chúng ta hay bị ngứa mắt khi chuyển mùa, vào mùa mưa ẩm, khi nắng hanh... Nếu kèm thêm cả hắt hơi, ngứa mũi thì có lẽ là khoảng 85% dân số nước ta đã từng bị ngứa mắt.
Một mùa xuân tươi đẹp đang đến nhưng những ai đã và đang ngứa mắt sẽ có lý do phải dè chừng, ghê sợ. Sẽ vất vả, khổ sở đấy mặc dù đã đi khám, đã có thuốc.
Thực tế khám bệnh hàng ngày cho thấy ngứa mắt là nguyên nhân đi khám phổ biến. Có thể do những bệnh lý đơn giản nhưng cũng có khi tiềm tàng những nguyên nhân gây mù. Tệ hơn nữa, ngứa mắt gây lo lắng thường trực cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến chất lượng sống của họ. Trách nhiệm của các bác sĩ mắt không chỉ là kê đơn mà còn phải xác định những nguyên nhân tiềm ẩn, đưa ra cách điều trị thích hợp, đề ra chế độ chăm sóc - vệ sinh, cho bệnh nhân những lời khuyên cần thiết.
Viêm bờ mi là một trong những nguyên nhân gây ngứa mắt.
Yếu tố nào gây ngứa mắt?
Ngứa mắt là khó chịu thường gặp của rất nhiều bệnh lý của bề mặt nhãn cầu. Trong đó chủ yếu là các bệnh lý thuộc nhóm dị ứng: viêm kết giác mạc cơ địa, viêm kết giác mạc mùa xuân, viêm kết mạc kèm viêm da cơ địa, viêm kết mạc dị ứng... Ngoài ra phải kể đến khô mắt, loạn năng tuyến Meibomius, viêm bờ mi, đeo kính tiếp xúc, viêm da tiếp xúc, viêm kết mạc có nhú khổng lồ cũng là những nguyên nhân gây ngứa mắt.
Sinh lý bệnh của quá trình ngứa mắt
Đây là một quá trình miễn dịch bệnh lý, đã có trục trặc ở khâu điều hòa.
Trong viêm kết mạc dị ứng và viêm kết mạc cơ địa phản ứng với IgE sẽ gây giải phóng histamine và các hạt có chứa các chất trung gian hóa học. Phản ứng với IgE đã không thể kiểm soát do tổn hại các tế bào miễn dịch, yếu tố gene cũng góp phần gây ra viêm da cơ địa. Cả hai loại phản ứng quá mẫn, týp I - ngay lập tức và týp IV - quá mẫn chậm đều có liên quan trong bệnh viêm kết mạc mùa xuân. Khi làm xét nghiệm cạo kết mạc của những bệnh nhân viêm kết mạc mùa xuân người ta thấy thâm nhập nhiều tế bào bạch cầu ái kiềm, vốn không thấy ở kết mạc người bình thường.
Trong bệnh viêm da tiếp xúc thì phản ứng quá mẫn týp IV là thủ phạm. Tế bào T trung gian miễn dịch đã có vấn đề, gây ra ngứa trường diễn từ 1-3 ngày.
Trong viêm bờ mi thì hiện tượng ngứa liên quan đến cơ địa của bệnh nhân. Đây là phản ứng của cơ thể với kháng nguyên của tụ cầu.
Bệnh sinh của ngứa mắt do đeo kính tiếp xúc mang tính đa nguyên bao gồm cả do chấn thương cơ học. Mắt thường bị khô và phản ứng thái quá với kính tiếp xúc, cũng có thể là phản ứng với chất rửa kính hoặc dung dịch khử protein.
Cơ chế bệnh lý của ngứa mắt trong loạn năng tuyến Meibomius là phản ứng viêm tại chỗ, thiểu tiết và tắc các lỗ ra của tuyến phía bờ mi.
Ngứa mắt trong khô mắt gây ra bởi không đủ nước mắt (trong bệnh Sjogren) hoặc bay hơi nước mắt thái quá (trong loạn năng tuyến Meibomius). Nếu bệnh Sjogren thì bệnh nhân còn có thêm mất điều hòa tự miễn.
Thăm khám có thể giúp phát giác các bệnh lý tiềm tàng
Khám mi: Cần chú ý đặc biệt khám mi mắt tìm các tổn thương:
Bờ mi có đỏ hoặc phù không, mi có ngửa ra ngoài, da mi có dày lên - dạng lichen - nếu có hay đi kèm với viêm da cơ địa hoặc viêm da tiếp xúc.
Tăng sắc tố quanh hốc mắt (vết bầm dị ứng): Có thể là dấu hiệu chỉ điểm của nguyên nhân dị ứng.
Viêm bờ mi biểu hiện bằng đóng cặn ở bờ mi, bao bọc bởi các chất tiết quanh chân lông mi.
Loạn năng tuyến Meibomius: Các lỗ ra của tuyến bị bít tắc, nước mắt có bọt, bờ mi có phình giãn mạch, chắp tái phát.
Phản ứng tạo nhú viêm có mặt ở rất nhiều bệnh lý khác nhau ở kết mạc nhưng thường là những bệnh lý nặng và ở những vị trí khác nhau.
Viêm kết mạc mùa xuân hay biểu hiện ở dạng nhú phì đại và nhú khổng lồ, lan tỏa ở mi trên. Tuy nhiên ở mi dưới cũng có thể bắt gặp một số nhú nhỏ, nhú mi trên ưu thế trong viêm kết mạc do mang kính tiếp xúc.
Khám kết mạc: Tìm kiếm các dấu hiệu: Cương tụ và phù kết mạc nhẹ và trung bình. Xuất tiết kết mạc dạng nhầy ở các mức độ.
Giác mạc:
Viêm giác mạc chấm nông rất hay gặp trên bệnh nhân ngứa mắt. Màng máu và tân mạch giác mạc cũng có thể bắt gặp trên những trường hợp dị ứng nặng.
Thẩm lậu giác mạc rìa hay gặp trên bệnh nhân có loạn năng tuyến Meibomius và viêm kết mạc do mang kính tiếp xúc.
Các đốm Horner Trantas: Các đốm gelatin vùng rìa hay loét giác mạc hình khiên hay đi kèm với viêm kết giác mạc mùa xuân.
Mắt bị viêm kết mạc.
Điều trị và chăm sóc, theo dõi
Khi đã có chẩn đoán xác định, bác sĩ nhãn khoa sẽ chỉ định riêng biệt cho từng loại. Việc sử dụng thuốc, liều lượng, thời gian điều trị... tùy thuộc kinh nghiệm của thầy thuốc và đáp ứng thuốc của người bệnh.
Các bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên. Ngay cả các bệnh nhân dùng các thuốc chống viêm nhóm không có cortizol cũng cần thăm khám và ghi chép đều đặn. Việc kê đơn nhóm này cũng chỉ nên ngắn hạn vì vẫn có nguy cơ gây nhuyễn và thủng giác mạc. Nhóm bệnh nhân dùng các sản phẩm có cortizol nên được theo dõi nghiêm ngặt nguy cơ bội nhiễm và tăng nhãn áp. Cũng nên dùng kèm kháng sinh nếu bắt buộc phải dùng dài ngày nhóm thuốc này. Các bệnh nhân có bệnh toàn thân đi kèm cần tham vấn thường xuyên bác sĩ dị ứng.
Cần nói ngay là các phương pháp đề phòng, kiêng cữ, chăm sóc, điều trị... chỉ làm bệnh nhân thấy dễ chịu phần nào. Nếu hỏi họ có cảm giác khỏi bệnh thật sự chưa, có lẽ 80% nói là chưa, bệnh dị ứng đeo bám cả đời người chí ít là đến tuổi trưởng thành nếu là viêm kết giác mạc mùa xuân. Nếu coi bệnh nhân như người thân của mình bạn có thể tìm cho họ phương thức chung sống hợp lý nhất với ngứa mắt. Thực sự chúng ta chỉ làm được đến vậy.
TS.BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)