Chủ động chặn nhiễm trùng bàng quang

Nhiễm trùng bàng quang (NTBQ) có thể là cấp hoặc mạn tính gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây nhiều phiền phức cho người bệnh, nếu không phát hiện và điều trị sớm, đúng, tích cực có thể gây nhiều biến chứng,

trong đó có biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Tuy vậy, có thể phòng ngừa được để đề phòng biến chứng.

Nguyên nhân gây NTBQ

NTBQ có thể do vi sinh vật hoặc không. Đối với vi sinh vật chủ yếu là do vi khuẩn, với ký sinh trùng ít gặp và với virut khó xác định, hơn nữa, thuốc điều trị virut hiện nay còn gặp khó khăn. Loại vi khuẩn thường gặp nhất gây NTBQ là họ vi khuẩn đường ruột, đứng hàng đầu là E.coli, sau đó là Proteus, Enterobacter, Citerobacter. Tiếp đến là vi khuẩn họ cầu khuẩn, chủ yếu là tụ cầu da (S. epidermidis) hoặc tụ cầu hoại sinh (S. saprophyticus). Đáng lo ngại nhất là viêm bàng quang do trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa), bởi vì, vi khuẩn này có sức đề kháng rất tốt, đồng thời chúng có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh (đa đề kháng kháng sinh). Ngoài ra, NTBQ có thể do vi khuẩn gây viêm niệu đạo cấp hoặc mạn tính đi ngược lên như Chlammydia, Mycolasma.

Bên cạnh đó, NTBQ có thể do một số yếu tố thuận lợi như bàng quang ứ nước với những lý do khác nhau (sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo, sỏi thận hoặc do sự chèn ép gây ứ đọng nước tiểu trong bệnh u xơ tiền liệt tuyến ở nam giới, nhất là nam giới là người cao tuổi hoặc u bàng quang)... Ở phụ nữ, NTBQ có thể do cấu tạo niệu đạo ngắn, lại ở sát gần hậu môn, nếu vệ sinh không đúng cách, rất dễ vi khuẩn xâm nhập niệu đạo, đi ngược lên bàng quang gây nhiễm trùng. Ngoài ra, một số thống kê cho thấy ở nữ giới đang ở tuổi sinh hoạt tình dục mạnh (sau khi cưới chồng hoặc quan hệ tình dục nhiều lần do lạm dụng tình dục) rất dễ bị NTBQ. Với trẻ em trai, nếu bị hẹp bao quy đầu, trẻ rất dễ bị viêm bàng quang.

Ngoài ra, có thể do viêm bàng quang kẽ hoặc viêm bàng quang do biến chứng bởi bệnh khác (tiểu đường, bệnh của tiền liệt tuyến ở nam giới trưởng thành, hoặc do sỏi thận, sỏi bàng quang hoặc do thủ thuật thông, nong niệu đạo không vô trùng tuyệt đối). Một số viêm bàng quang do thuốc, nhất là thuốc trong hóa trị cyclophosphamide, ifosfamide.

Siêu âm bàng quang giúp phát hiện sớm bệnh. Ảnh: TM

    Siêu âm bàng quang giúp phát hiện sớm bệnh. Ảnh: TM

    Dấu hiệu nhận biết

    Các triệu chứng phổ biến của bệnh NTBQ là đau rát niệu đạo và tiểu buốt khi đi tiểu. Thường có đau bụng dưới, nước tiểu có máu, đôi khi kèm theo mủ (trắng, đục) và có mùi hôi. Trong ngày, người bệnh thường mót tiểu nên đi tiểu nhiều lần (ngay cả trẻ nhỏ), tuy vậy, mỗi lần rất ít nước tiểu. Ngoài ra, người bệnh còn có kèm đau thắt lưng. Đối với trẻ nhỏ bị viêm bàng quang, triệu chứng gặp chủ yếu là đi tiểu nhiều, một số trẻ kêu đau ở bộ phận tiết niệu ngoài và thường bị đái dầm, trẻ em nam, sau đi tiểu tay hay cầm chặt chim vì đau rát.

    Biến chứng do NTBQ

    Nguy hiểm nhất của NTBQ không phát hiện sớm, điều trị đúng, tích cực là trở thành viêm bàng quang mạn tính, đặc biệt là gây viêm ngược dòng lên viêm thận (đài thận, bể thận, thận ứ mủ...) có thể gây suy thận.

    Để chẩn đoán NTBQ, cần xét nghiệm nước tiểu, trong đó lưu ý là xét nghiệm vi khuẩn để xác định là vi khuẩn gì, trên cơ sở đó làm kháng sinh đồ nhằm chọn kháng sinh nhạy cảm nhất để điều trị. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện nên siêu âm và nội soi bàng quang để đánh giá tình trạng tổn thương của bàng quang, kết hợp xác định nguyên nhân (sỏi, u...).

    Nguyên tắc điều trị

    Khi nghi ngờ bị viêm bàng quang cần đi khám bệnh ngay để được chẩn đoán sớm, tránh để xảy ra biến chứng. Người bệnh không tự mua thuốc điều trị vì các loại vi khuẩn gây viêm bàng quang cấp đã kháng nhiều kháng sinh. Với trẻ em, khi thấy trẻ đi tiểu nhiều lần, tiểu dầm nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Khi đã có chỉ định điều trị của bác sĩ cần tuân theo một cách nghiêm túc, tránh điều trị dở dang, tránh tự động thay thuốc và tránh tự động điều chỉnh liều lượng thuốc.

    Nguyên tắc phòng bệnh

    Cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày, với phái nữ cần lưu ý khi rửa bộ phận vùng kín, cần dội nước từ trước ra sau và nên dùng nước đun sôi để nguội để rửa. Ở lứa tuổi sinh hoạt tình dục, cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục ngoài trước, sau khi quan hệ và nên quan hệ điều độ. Khi mắc các bệnh sỏi đường tiết niệu, bệnh u xơ tiền liệt tuyến (nam giới) cần tích cực điều trị theo đơn của bác sĩ khám bệnh và nghe theo tư vấn của bác sĩ. Hằng ngày không nên nhịn tiểu và không nên ngồi một chỗ quá lâu. Cần uống đủ lượng nước hằng ngày, nếu có điều kiện ăn thêm các loại trái cây có chứa nhiều nước như dưa hấu, lê...

    TS.BS. Bùi Mai Hương

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
    Hiển thị tất cả kết quả cho ""