Loại giày dép có nhú gai xuất phát từ quan điểm của Đông y về việc kích thích tuần hoàn tại chỗ và hệ thống kinh lạc ở lòng bàn chân; nó cũng giúp bàn chân thoáng khí. Tuy nhiên, việc mang nó nhiều giờ trong ngày, nhất là khi làm việc ở tư thế đứng hay khi bị tiểu đường, có thể gây tổn hại cho bàn chân.
Giày dép đã được định nghĩa rất cụ thể trong tự điển Robert (Pháp) là phần trang phục bao bọc và bảo vệ bàn chân. Không như da trên thân, bàn chân cần được bảo vệ đặc biệt trước những tác nhân bên ngoài như nhiệt độ, nắng, gió, mặt đất gồ ghề, đá sỏi, gai góc… Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, tính thời trang đang được đặt nặng đến mức người ta quên đi chức năng ban đầu của nó. Nhiều nhà tạo mẫu đôi khi xem nhẹ hay bỏ quên một số quy tắc bắt buộc và đặc điểm sinh lý của bàn chân con người, làm cho giày dép không những mất đi chức năng bảo vệ mà thậm chí còn trở thành tác nhân gây hại cho người sử dụng.
Mỗi người cần dựa vào đặc điểm bàn chân của mình để chọn loại giày dép thích hợp. Các nước tiên tiến có hẳn các nhà sản xuất giày tất chuyên dụng cho những bàn chân “có vấn đề” (như hình dạng bất thường, da quá nhạy cảm, có bệnh lý ở bàn chân, mang chi giả...).
Phân loại bàn chân
Chia theo hình dáng:
- Bàn chân Ai Cập: Ngón cái dài nhất (chiếm 56%).
- Bàn chân Hy Lạp: Ngón 2 dài nhất (16%).
- Bàn chân vuông: Ngón 2 và ngón 3 bằng nhau.
- Bàn chân hỗn hợp: Ngón út và ngón cái xòe ra như nan quạt.
- Bàn chân người tiền sử: Hai ngón cái xòe và chĩa vào nhau (bàn chân Giao Chỉ).
Chia theo đặc điểm lòng bàn chân:
- Bàn chân bình thường: Có phần hõm tương ứng với vòm chân ở trên; phần tiếp xúc với mặt đất nằm ở rìa ngoài, chiếm khoảng 2/3 diện tích lòng bàn chân.
- Bàn chân lõm: Diện tích phần hõm có thể chiếm gần 50% diện tích lòng bàn chân.
- Bàn chân bằng (hay bàn chân bẹt): Gần như toàn bộ diện tích lòng bàn chân áp sát mặt đất khi ta đứng thẳng.
Ngoài ra, còn có một số đặc điểm khác cần lưu ý để chọn loại giày phù hợp như phần vòm hay gót chân quá nhô, các mấu khớp lồi dọc theo hai cung trong và ngoài của bàn chân...
Khung xương bàn chân được sắp xếp thành hai tam giác, tam giác lớn ở phía sau gọi là tam giác tĩnh và tam giác nhỏ ở khu vực các ngón chân gọi là tam giác động, do tính chất chuyển động của bàn chân khi chúng ta di chuyển. Bình thường khi đi, mặt phẳng của lòng bàn chân sẽ uốn theo bước chân, tạo thành một góc giữa bàn chân và các ngón chân - thay vì là một mặt phẳng khi ta đứng yên. Đây chính là lý do gây đau khi đi bộ nếu bạn mang giày có phần đế phía trước hoặc da vùng mũi giày quá cứng, không đủ độ mềm dẻo để uốn theo bàn chân.
Phân loại giày
Giày Ba-lê. |
Giày gồm các phần: đế, khung đế, điểm hếch mũi giày tạo thuận lợi cho bước chân, đầu cứng ở mũi giày bảo vệ các ngón chân, trụ áp gót và gót. Giày phụ nữ rất đa dạng về chiều cao, độ rộng của gót (diện tiếp xúc gót chân với mặt đất), độ chéo trước của gót (độ dốc). Các loại giày cơ bản gồm:
- Giày Ba-lê (Ballerine ): Phù hợp với người có lòng bàn chân chắc và bàn chân mềm dẻo.
Giày mọi. |
- Giày mọi (Mocassin): Dễ mang, nên dùng cho người có vấn đề về bàn tay hay cột sống (không cần cúi xuống hay cột dây).
- Giày cao gót (Escarpin): Phù hợp bàn chân Hy Lạp và không thích hợp với cử động mạnh (chạy, nhảy).
- Giày Charles 9 (cao gót, có thêm quai ngang): Giúp giữ chắc bàn chân và giảm ma sát vùng sau, đi lại dễ dàng, cho phép di chuyển mạnh và nhanh hơn.
- Giày Salomé: Là giày Charles 9 có thêm quai dọc.
Giày Derby. |
- Giày đế thấp thông thường (Derby): Phù hợp với hầu hết các loại bàn chân.
- Giày cao cổ (Bottine, boot): Cổ giày vượt qua mắt cá chân, gót thấp, có tác dụng giữ chắc cổ chân và bảo vệ da, tiện cho người mang chi giả.
- Giày thể thao: Bền chắc nhưng mềm mại và co giãn tốt, ôm sát bàn chân, đặc biệt là cổ chân, có thể giảm xóc khi vận động mạnh. Thích hợp với hầu hết các hoạt động.
- Giày cổ cao, gót cao (Escabeau): Hoàn toàn mang tính thời trang, ít phù hợp với sinh lý bàn chân vì không giữ cho cổ chân, khớp gối vững chắc khi di chuyển).
- Giày có nhú gai: Không nên đi nhiều giờ trong ngày.
BS Thái Thị Hồng Ánh, Sức Khoẻ & Đời Sống