Nguyên nhân chảy nước mắt sống chủ yếu do tắc lệ đạo gây ra. Khi lệ đạo bị nhiễm khuẩn sẽ gây viêm tắc và đau nhức.
Nguyên nhân chảy nước mắt sống chủ yếu do tắc lệ đạo gây ra. Khi lệ đạo bị nhiễm khuẩn sẽ gây viêm tắc và đau nhức. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới những biến chứng tổn thương ở mắt.
Chấn thương, viêm nhiễm dễ gây tắc lệ đạo
Lệ đạo là ống thoát nước mắt dẫn từ góc trong của mi mắt dưới đến khe mũi dưới, gồm lỗ lệ, lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi (ống lệ tỵ). Nước mắt mới sinh ra, sau khi bôi trơn và làm sạch bề mặt nhãn cầu sẽ được dồn về góc trong mắt rồi được dẫn vào lệ đạo, xuống mũi. Vì vậy, ở những người khóc nhiều, nước mắt qua lệ đạo tăng lên, làm chảy cả ra mũi. Lệ đạo hay tắc nhất là đoạn ống lệ mũi. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi: từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi do bẩm sinh hay mắc phải, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Tắc lệ đạo bẩm sinh hay gặp ở trẻ ngay sau khi sinh ra (nhất là trẻ đẻ thiếu tháng), do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn lại màng gây tắc. Thường trường hợp này có thể tự khỏi khi trẻ lớn lên. Tắc lệ đạo mắc phải gặp do các chấn thương vùng mắt, xoang; viêm nhiễm mạn tính ở mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc... Tổ chức viêm có thể làm chít hẹp lệ đạo và gây tắc không hoàn toàn. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các trường hợp tắc lệ đạo mắc phải đều không rõ nguyên nhân.
Biểu hiện bệnh
Bình thường, nước mắt được dẫn xuống mũi, không chảy ra ngoài. Khi bị tắc lệ đạo, nước mắt không được dẫn xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài từ góc trong của mắt, gây ra triệu chứng chảy nước mắt, mà dân gian thường gọi là chảy nước mắt sống. Nếu thời gian tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm khuẩn tại đường dẫn lệ. Túi lệ bị viêm, có nhầy mủ, nếu ấn vào vùng góc trong mắt thấy mủ đùn ra. Bệnh nhân có thể thấy đau nhức. Trẻ nhỏ mắc bệnh có thể có sốt, quấy khóc, hay dụi tay lên mắt.
Viêm tắc lệ đạo nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng gồm: tắc lệ đạo, nhất là tắc ở ống lệ mũi, gây ra viêm túi lệ mạn tính với biểu hiện là thường xuyên chảy nước mắt, kèm theo có chảy nhầy mủ; phù nề nhẹ vùng góc trong mắt; ấn vào vùng này có thể thấy nhầy mủ đùn ra ở khóe mắt. Không điều trị kịp thời có thể tiến triển thành viêm cấp tính, gây áp-xe tại túi lệ hoặc gây dò, thoát mủ ra ngoài da. Khi áp-xe túi lệ, bệnh nhân, nhất là trẻ em thường kêu đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ, ấn vào đau, có thể có sốt.
Điều trị cách nào?
Căn cứ vào các triệu chứng của bệnh nói trên, khi phát hiện các triệu chứng tắc lệ đạo, người bệnh cần đến khám ở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị đúng. Điều trị cần dựa vào tổn thương bệnh mà người ta sử dụng các biện pháp điều trị thích hợp.
Đối với trường hợp tắc lệ đạo bẩm sinh, ngoài việc chẩn đoán đúng bệnh, các bác sĩ chuyên khoa còn phải xác định chính xác nguyên nhân chảy nước mắt để loại trừ các bệnh nguy hiểm khác ở mắt như glôcôm bẩm sinh, viêm nhiễm khác trong mắt. Phương pháp điều trị có thể dùng là day ấn vùng góc trong mắt, nơi có túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ mắt và kháng sinh uống. Đa số các trường hợp viêm tắc lệ đạo sẽ được phục hồi thông hoàn toàn khi được điều trị bằng biện pháp này. Đến khi trẻ được 2 - 3 tháng tuổi, nếu vẫn không hết chảy nước mắt thì người ta có thể bơm rửa và thông lệ đạo, giúp cho nước mắt lưu thông xuống mũi. Về mặt thời gian, các nhà chuyên môn cho biết: trẻ được 4 - 6 tháng tuổi mới là thời gian để thông lệ đạo tốt nhất, vì để đến trên 1 tuổi thì kết quả thông lệ đạo sẽ rất thấp.
Những trường hợp bị tắc lệ đạo mắc phải: người ta thấy rằng chỉ dùng phương pháp bơm thông lệ đạo hầu như không có kết quả. Do đó, để phục hồi chức năng dẫn nước mắt, cần phải phẫu thuật để tạo nên đường dẫn nước mắt mới, từ mắt xuống mũi cho bệnh nhân. Đây là một phẫu thuật có thể điều trị dứt điểm triệu chứng chảy nước mắt, khỏi viêm nhiễm, mủ nhầy ở túi lệ. Tuy nhiên, đối với các ca bệnh không thể mổ tạo đường thông nước mắt thì phải mổ cắt túi lệ để loại trừ ổ viêm tại mắt, tránh các biến chứng gây áp-xe túi lệ, nhưng bệnh nhân sẽ bị chảy nước mắt suốt đời.
Lời khuyên của bác sĩ
Tắc lệ đạo ngoài nguyên nhân bẩm sinh còn có nguyên nhân mắc phải. Vì vậy, để phòng tránh các trường hợp tắc lệ đạo mắc phải, mọi người cần lưu ý tránh chấn thương cho mắt bằng các biện pháp như: đeo kính khi lao động trong môi trường dễ bị dị vật bắn vào mắt như đi ngoài đường, nhất là khi có gió to cát bụi nhiều, khi làm việc như tuốt lúa, cưa gỗ, mài kim loại... Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để phòng chấn thương vùng đầu và phòng chấn thương mắt. Khám mắt định kỳ để phát hiện và điều trị tích cực các bệnh viêm nhiễm mạn tính ở mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc... Do có nhiều trường hợp tắc lệ đạo mắc phải không rõ nguyên nhân nên khi phát hiện triệu chứng viêm tắc lệ đạo, bệnh nhân cần đi khám ngay ở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.