VietNamNet) - Nếu không kịp thời phát hiện và chữa trị tận gốc các rối loạn tâm thần nhẹ như lo âu, trầm cảm, bệnh sẽ ngày càng nặng hơn và người bệnh trở thành "gánh nặng" cho gia đình, xã hội.
Ý kiến trên được nêu ra tại hội thảo quốc gia về "Xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần lồng ghép vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam", diễn ra tại TP Biên Hòa vào hai ngày 27 và 28/8.
Qua khảo sát sơ bộ, có khoảng 11% bệnh nhân bị bệnh tâm thần nặng. Trong thực tế, tỷ lệ này có thể lên tới 20-25%. Còn lại là các bệnh tâm thần nhẹ.
Tuy nhiên, những người bị rối loạn tâm thần nhẹ thường không nhận mình bị bệnh hay có suy nghĩ không đúng, sợ vào bệnh viện (BV) sẽ bị cho là "điên"; hoặc không biết khám ở đâu, không được tuyên truyền đầy đủ nên đến BV rất trễ. Họ thường để bệnh kéo dài từ sáu tháng đến hai năm...
Theo BS Lương Hữu Thông, phó giám đốc BV Tâm thần Trung ương 2, nhiều người bị loét dạ dày, cao huyết áp không rõ nguyên nhân... lại đến các BV để chữa triệu chứng, không biết rằng nguồn gốc là do stress gây ra. Do vậy, theo ông, cần quan tâm cả bệnh tâm thần nặng lẫn nhẹ để chữa trị kịp thời và tránh bệnh diễn biến ngày càng nặng và phức tạp.
Cũng theo BS Thông, mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần của khu vực phía Nam còn yếu do chưa có BV tâm thần tuyến tỉnh, gây quá tải cho tuyến thành phố và trung ương. Cả khu vực hiện nay chỉ có sáu BV tâm thần của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định, TP.HCM và các khoa tâm thần trong các BV. Tại BV Tâm thần Trung ương 2, theo chỉ tiêu chỉ có 900 giường nhưng đã phải tiếp nhận đến 1.600 bệnh nhân tâm thần nặng. Vì vậy, với các dạng nhẹ hơn, BV đành phải từ chối.
PGS TS Trần Viết Nghị, chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam, cho biết: Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng được triển khai ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước từ năm 1998 đến nay. Tuy vậy, chương trình chỉ mới tập trung vào việc khảo sát, quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân tâm thần phân liệt. Còn các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, lạm dụng ma túy, rượu bia, tự sát, rối loạn tình dục... vẫn chưa được quan tâm. Hoạt động lồng ghép, theo dõi, quan lý ban đầu bệnh nhân tâm thần tại tuyến cơ sở mới chỉ triển khai bước đầu tại 15 xã, phường (chủ yếu ở các thành phố lớn và một số tỉnh đồng bằng). Trong khi đó, chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam hiện nay là hướng về cộng đồng, lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần vào mạng lưới y tế cơ sở.
Do đó, PGS Nghị nhấn mạnh: Cần tập trung lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trong hệ thống chăm sóc sức khỏe chung ở cơ sở để mở rộng việc quản lý, điều trị bệnh nhân tại nhà, tái phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho người bệnh. Đồng thời, ngành y tế cũng phải tập trung đào tạo, nâng cao chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế chuyên ngành tâm thần và nâng cao tỷ lệ BS chuyên khoa lên 1 BS/10.000 dân thay vì 1 BS/100.000 dân như hiện nay. Nếu làm tốt công tác lồng ghép tại tuyến y tế cơ sở, có thể phát hiện kịp thời những người có biểu hiện tâm thần để có hướng điều trị hiệu quả, giúp người bệnh sau khi lành bệnh dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến giới thiệu những kinh nghiệm áp dụng mô hình lồng ghép tại một số địa phương. Trước đó, từ ngày 24 đến 26/8, ngành sức khỏe tâm thần Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mở lớp tập huấn cho các BS tâm thần trong cả nước về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe tâm thần theo mô hình nói trên.
-
Vân Điển - Tuấn Đồng