Cảnh giác cơn gút

Hiện nay nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh y học cổ truyền có phương pháp, bài thuốc trị gút hiệu quả.

(Tiếp theo kỳ trước)

Y học cổ truyền gọi bệnh gút nằm trong chứng tý. Nguyên nhân bệnh là do 3 thứ tà khí gây ra gồm: phong, hàn, thấp  tích tụ lâu ngày trong cơ thể, trong khi cơ thể lại có sẵn can, thận bất túc. Bệnh gút có 3 thể lâm sàng: hàn tý, nhiệt tý và can thận âm hư.

Một số loại dược liệu có tác dụng hạ axít uric máu như: kim tiền thảo (lợi tiểu và tăng thải axít uric qua đường niệu), ngải cứu (ức chế mạnh xanthine oxydase giúp giảm tổng hợp axít uric), lá sa kê (kháng khuẩn, tiêu viêm, lợi tiểu, điều trị gút hiệu quả), hy thiêm (kháng viêm, giảm đau, hạ axít uric máu...). Sau đây là một số món ăn- bài thuốc có tác dụng bổ dưỡng, giảm đau mà người bệnh gút nên dùng:

Lòng gà hầm ba kích:

Lòng gà 1 bộ, ba kích nhục 30g, gừng, muối, tiêu bột, hành lá, mỗi thứ một ít.

Ba kích rửa sạch, cắt mỏng để ráo. Hành rửa sạch, cọng hành trắng giã nhuyễn, lá hành cắt khúc để sẵn. Gừng cạo vỏ sạch, cắt từng đoạn vừa ăn, rửa rồi để ráo.

Đem bộ lòng đã làm sạch ướp với cọng hành trắng đã giã nhuyễn. Thêm muối tiêu, rồi trộn với nhau cho thấm. Cho vào nồi  cùng ba kích và ít nước lạnh để hầm. Nấu nước thật sôi, rồi vặn nhỏ lửa hầm riu riu độ một giờ. Nêm tí muối cho vừa ăn  rồi thả gừng cắt sợi và rắc tiêu cho thơm là dùng được. Ăn liên tục 7 - 10 ngày.

Tác dụng: ích khí, bổ thận, bổ dưỡng cơ thể, trị thận dương hư, khí huyết kém, gối đau, lưng mỏi.

Giò heo hầm rễ tỳ bà:

Chuẩn bị: rễ tỳ bà 250g, giò heo 2 cái, đường muối, gừng, hành lá, tiêu bột, dầu ăn, rượu mỗi thứ một ít

    Rửa rễ tỳ bà sạch, cho vào nồi đất, đổ 700ml nước, sắc thuốc còn 150ml nước để riêng. Cho dầu vào nồi, thả cọng hành trắng phi thơm, bỏ gừng cắt sợi vào xào chung, sau cho tiếp giò lợn xào cho đều, đến khi giò lợn săn lại cho một ít muối đường, xào tiếp cho thấm. Đổ nước  thuốc đã sắc vào nấu chung, thêm ít rượu, đun sôi thì hạ nhỏ lửa, đậy nắp kín, hầm riu riu khoảng một giờ, thả hành lá cắt khúc, rắc tiêu bột.

    Tác dụng: bồi bổ cơ thể, khu phong, trừ thấp, ích khí, bổ huyết, trị đau nhức xương các khớp.

    Cảnh giác cơn gútGiò heo hầm rễ tỳ bà  bồi bổ cơ thể, khu phong, trừ thấp, ích khí, bổ huyết, trị đau nhức xương các khớp

     

    Canh ba ba, đỗ trọng:

    Chuẩn bị: đỗ trọng 15g, thịt ba ba 100g, một ít muối hột.

    Rửa sạch đỗ trọng cho vào nồi với 800ml nước, đun sôi còn 300ml nước thuốc. Rửa sạch thịt ba ba cho vào nước đỗ trọng. Nấu đến chín thịt, cho gia vị vào.

    Tác dụng: bổ can thận, chắc lưng gối. Trị bệnh đầu gối đau mỏi do can thận đều hư.

    Ngoài ra, bệnh gút còn được điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như: châm cứu, vật lý trị liệu, dưỡng sinh.

     

    5 thực phẩm cần tránh:

    Hải sản: cá ngừ, cá trích, cá hồi, sò nghêu ốc hến... là những hải sản có chứa nhiều purin và khiến nồng độ axít uric trong máu tăng cao. Đối với những người chưa mắc bệnh gút thì nên ăn < 120g hải sản/ngày.
    Thịt: thịt ngỗng, thịt gà tây có chứa hàm lượng purin cao nên người bệnh gút càng ăn ít thì càng tốt. Thay vào đó nên chọn thịt trắng như: thịt gà, thịt vịt.
    Rau: các loại rau có hàm lượng purin cao như: cải bó xôi, súp lơ, măng tây, nấm... đều không có lợi cho người mắc bệnh gút. Do đó bệnh nhân nên hạn chế ăn những loại rau này.
    Bia: đồ uống được xem là “cấm” đối với bệnh nhân gút, do nó làm tăng hàm lượng axít uric và cản trở quá trình đào thải chất này ra khỏi cơ thể.
    Thức uống chứa đường: nước hoa quả, nước tăng lực... là những đồ uống có hàm lượng đường fructose cao và kích thích cơ thể sản xuất ra axít uric. Từ đó, nguy cơ mắc gút hay cơn gút cấp tái phát cũng tăng lên.

    BS. NGÔ VĂN TUẤN

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
    Hiển thị tất cả kết quả cho ""