Suckhoedoisong.vn - Đau vùng thắt lưng là hội chứng do đau khu trú trong khoảng từ ngang mức L1 đến nếp hằn mông. Đây là một hội chứng xương khớp hay gặp nhất trong thực hành lâm sàng.
Khoảng 65 - 85% những người trưởng thành trong cộng đồng có đau cột sống thắt lưng (CSTL) cấp tính hoặc từng đợt một vài lần trong cuộc đời, khoảng 10% số này bị chuyển thành đau CSTL mạn tính.
Nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng
Đau vùng thắt lưng do nguyên nhân cơ học: do căng giãn cơ, dây chằng cạnh cột sống quá mức; thoái hóa đĩa đệm, cột sống; thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng; loãng xương; trượt thân đốt sống; dị dạng thân đốt sống (cùng thắt lưng 5, thắt lưng hóa cùng 1…).
Đau vùng thắt lưng do một bệnh toàn thân: Đau trong các bệnh khớp mạn tính (viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, loãng xương); do chấn thương; do nguyên nhân nhiễm khuẩn (lao hoặc nhiễm vi khuẩn không do lao); do ung thư; do các nguyên nhân khác (sỏi thận, loét hành tá tràng, bệnh lý động mạch chủ bụng, u xơ tuyến tiền liệt…).
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định dựa vào lâm sàng, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.
Đau vùng thắt lưng do nguyên nhân cơ học có các biểu hiện như sau:
Đau CSTL do căng giãn dây chằng quá mức; đau xuất hiện đột ngột sau bê vật nặng, sau hoạt động sai tư thế (lao động chân tay kéo dài, đi guốc cao gót…), rung xóc do đi xe đường dài, sau nhiễm lạnh hoặc sau một cử động đột ngột. Đau thường kèm theo co cứng khối cơ cạnh cột sống, tư thế cột sống bị lệch vẹo mất đường cong sinh lý, khi thầy thuốc ấn ngón tay dọc các mỏm gai sau hoặc vào khe liên đốt ở hai bên cột sống có thể xác định được điểm đau.
Đĩa đệm bị thoát vị khiến dây thần kinh cột sống bị chèn ép gây đau.
Thoát vị đĩa đệm CSTL thường có biểu hiện của đau thần kinh tọa. Người bệnh đau lan từ CSTL lan xuống mông, phía sau ngoài đùi, mặt trước bên cẳng chân, mắt cá ngoài, qua mu chân tới ngón 1 nếu bị chèn ép ở L5. Nếu tổn thương ở S1 đau lan xuống mặt sau đùi, cẳng chân, gân Achille mắt cá ngoài qua bờ ngoài gan chân tới ngón 5. Đôi khi có rối loạn cảm giác nông; cảm giác tê bì, kiến bò, kim châm… dấu hiệu giật dây chuông dương tính, dấu hiệu Lasegue dương tính. Trường hợp có chèn ép nặng, người bệnh có thể có rối loạn cơ tròn. Phản xạ gân xương chi dưới thường giảm hoặc mất, có thể có teo cơ đùi và cẳng chân nếu đau kéo dài.
Các xét nghiệm sinh học thường trong giới hạn bình thường.
Xquang thường quy cũng ít có giá trị chẩn đoán, đa số có hình ảnh bình thường hoặc so các triệu chứng của thoái hóa. Chỉ định nhằm loại trừ các trường hợp tổn thương đĩa đệm đốt sống (viêm u…).
Đau vùng thắt lưng do một bệnh toàn thân
Trong trường hợp đau vùng thắt lưng là triệu chứng của một bệnh toàn thân, người bệnh thường có các triệu chứng khác kèm theo như: có sốt, dấu hiệu nhiễm khuẩn nếu là do nguyên nhân nhiễm khuẩn; có gầy, sút cân nhanh, đau ngày càng tăng, không đáp ứng với các thuốc chống viêm giảm đau thông thường nếu có nguyên nhân là ung thư; có đau thắt lưng dữ dội ngày càng tăng kèm theo dấu hiệu shock, da xanh thiếu máu nếu có nghi ngờ phình tắc động mạch chủ bụng… Khi có dấu hiệu chỉ điểm của một bệnh toàn thân liên quan đến đau vùng thắt lưng, thầy thuốc cần hướng dẫn người bệnh đến các cơ sở chuyên khoa thực hiện các xét nghiệm, thăm dò chuyên sâu để tìm nguyên nhân.
Luôn cần phân biệt đau vùng thắt lưng do nguyên nhân cơ học với đau vùng thắt lưng do một bệnh toàn thân. Một số trường hợp có nguyên nhân tâm lý.
Điều trị nội khoa
Nguyên tắc điều trị là điều trị theo nguyên nhân, kết hợp điều trị thuốc với các biện pháp phục hồi chức năng. Điều trị ngoại khoa khi có chỉ định. Phác đồ điều trị thường kết hợp các nhóm thuốc như thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ.
Đau thắt lưng mạn tính: Duy trì dùng thuốc theo chỉ định. Ngoài ra, áp dụng kéo giãn cột sống, tập bơi, thể dục nhẹ nhàng. Điều chỉnh lối sống và thói quen làm việc, vận động để tránh gây đau tái phát.
Điều trị ngoại khoa
Chỉ định phẫu thuật ở các trường hợp đau cột sống thắt lưng do thoát vị đĩa đệm hoặc kèm trượt đốt sống; đặc biệt trường hợp đau nhiều, có dấu hiệu chèn ép rễ nặng (teo cơ nhanh, rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giác).
Lời khuyên của thầy thuốc
Người bệnh cần trao đổi với thầy thuốc để hiểu rõ về bệnh và thực hiện các biện pháp tránh tái phát đau vùng thắt lưng. Tránh cúi, tránh xoắn vặn, tư thế mang vật nặng đứng. Nên bơi, tập cơ bụng, cơ lưng…
TS.BS. Đặng Hồng Hoa