Cách phát hiện bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh cha mẹ cần chú ý

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, vàng da là vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên cha mẹ cần hết sức lưu ý để phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ để đưa con đi điều trị kịp thời.

Theo PGS. Dũng, vàng da là do tăng bilirubin trong máu, đây là vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tỷ lệ trẻ vàng da sơ sinh chiếm khoảng 80 – 85%. Song, ranh giới giữa vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý là rất mong manh.

“Trẻ bị vàng da sơ sinh bệnh lý nếu không được điều trị kịp thời, chỉ trong 7 ngày đầu đời, chất bilirubin sẽ qua hàng rào máu não gây hội chứng vàng da nhân não, để lại nhiều di chứng về thần kinh hết sức trầm trọng mà không thể phục hồi như: điếc, chậm phát triển về vận động và trí tuệ”- PGS. Dũng cảnh báo.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia Nhi khoa này cũng cho rằng, việc theo dõi và phát hiện các dấu hiệu vàng da bệnh lý lại không quá khó nếu các bà mẹ bỉm sữa biết các kỹ năng đơn giản sau:

- Tập trung theo dõi sát con trong 7 ngày đầu đối với tất cả các trẻ sinh non hoặc sinh thường. Đánh giá vàng da ở trẻ sơ sinh dưới ánh sáng tự nhiên (ánh sáng trời). Không nên quan sát dưới ánh đèn neon hoặc đèn thường vì sẽ không xác định được rõ trẻ có vàng da hay không.

- Dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ từ trên mặt da giữ vài giây sau đó quan sát độ vàng của da ở vùng da vừa mới ấn nhẹ ngón tay xuống. Nên quan sát da trẻ theo thứ tự từ trên xuống dưới: Bắt đầu từ trán – ngực – bụng – đùi – cẳng chân. Nếu chỉ thấy vàng da từ trán xuống ngực thì không cần cho trẻ đi khám, chỉ cần theo dõi ở nhà. Nếu thấy trẻ vàng da đến bụng hoặc đến đùi, cẳng chân thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở khoa Nhi có khoa sơ sinh để khám ngay. Tại đây các bác sĩ sẽ đánh giá sâu hơn bằng hình thức khám lâm sàng và xét nghiệm định lượng bilirubin/máu.

Thời gian vàng để điều trị hiệu quả cho trẻ mắc bệnh vàng da chỉ trong 7 ngày đầu sau sinh bằng biện pháp chiếu đèn hoặc phối hợp truyền dịch. Nếu để muộn hơn thời gian này thì da bé dày hơn và phương pháp chiếu đèn sẽ không còn hiệu quả.

Theo PGS. Dũng, vàng da bệnh lý thường xuất hiện ở trẻ sinh non; trẻ đẻ ngạt; do bất đồng nhóm máu mẹ - con hệ ABO (Ví dụ: mẹ nhóm máu O, con nhóm máu A hoặc B…); bất đồng nhóm máu mẹ - con hệ Rh...

Vàng da sinh lý chuyển sang vàng da bệnh lý rất mong manh và thường khó nhận diện do nhiều trẻ không có các dấu hiệu chỉ điểm như: kích thích, vật vã hoặc li bì, bỏ bú mà đôi khi trẻ vẫn bú, vận động và ngủ bình thường. Khi xuất hiện những dấu hiệu lâm sàng điển hình như tăng trương lực cơ, rối loạn hô hấp, co giật, li bì hoặc khóc thét thì đã rất nặng. Khi đó, dù có điều trị được thì cũng sẽ để lại những di chứng rất nặng nề.

                                                                                                                                                                D.Hải

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""