Theo Health.com, những kẻ thù giấu mặt đang lén lút đánh cắp giấc ngủ của bạn và chúng cũng biến hình theo từng độ tuổi. Vậy đâu là bí kíp dành cho bạn khi…
Bạn ở tuổi 20+, 30+
1. Hãy kiểm tra tuyến giáp
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, gánh nặng trong vai trò làm mẹ chính là nguyên nhân gây ra mất ngủ mà không biết thủ phạm thực sự có thể là bệnh viêm tuyến giáp sau sinh. Thực tế là có 5-10% phụ nữ mắc căn bệnh này trong thời gian một năm sau khi sinh.
Ban đầu, các triệu chứng của bệnh cường giáp nhẹ sẽ khiến bạn quay cuồng và mất ngủ. Sau một vài tháng, tình trạng sẽ nặng hơn và chuyển sang suy giáp. Lúc này, sự thiếu hụt hormone tuyến giáp sẽ khiến bạn luôn ở trong tình trạng mệt mỏi.
2. Quên đi phiền muộn
Buồn phiền có thể là nguy cơ kép phá hoại giấc ngủ của bạn. Hầu hết các bà mẹ trong suốt thời kỳ thai nghén đều phải đối mặt với cảm giác phiền muộn, chứng trầm cảm. Chúng khiến bạn khó ngủ và mất ngủ triền miên. Và việc sử dụng thuốc chống trầm cảm càng làm gia tăng chứng mất ngủ.
Bạn ở tuổi 40+
1. Hạn chế đi tiểu về đêm
Đừng vội cho rằng đó là dấu hiệu của tuổi già nếu thời gian gần đây bạn thường đi tiểu nhiều về đêm. Thủ phạm có thể là chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. Các bác sĩ giải thích, nồng độ estrogen (hormone giới tính nữ) sẽ giảm sút khi bạn bước vào độ tuổi 40-50, khiến lớp niêm mạc của âm đạo và bàng quang mỏng dần đi. Chính điều này khiến cho phụ nữ tiền mãn kinh dễ bị viêm nhiễm. Mặt khác, nhu cầu tình dục cao ở phụ nữ độ tuổi này cũng là một nguyên nhân dẫn đến viêm nhiễm đường tiết niệu.
2. Tập thể dục điều độ hơn
Chúng ta đều biết cơ bắp và các mô sẽ được phục hồi trong giấc ngủ sâu. Bạn càng rèn luyện thể lực thì thời gian ngủ sâu của bạn càng được nâng lên (để đáp ứng nhu cầu phục hồi của cơ thể).
TS. Wilfred R.Pigeon, Giám đốc của Phòng Thí nghiệm về Thần kinh học và Giấc ngủ thuộc ĐH. Rochester (Anh) khuyên bạn nên dành 30 phút tập aerobic mỗi ngày để ngủ sâu và ngon hơn.
Bạn ở tuổi 50+
1. Chú ý đến việc dùng thuốc
Thuốc lợi tiểu (được sử dụng để giảm huyết áp) thì khiến bạn thức giấc liên tục vì phải đi tiểu về đêm. Bạn nên uống thuốc vào buổi sáng thay vì buổi tối.
Chưa kể, chất statin dùng để kiểm soát lượng cholesterol có thể làm cạn kiệt loại enzyme đồng vị Q10 trong các cơ bắp (một loại protein tự nhiên cần thiết để các tế bào cơ bắp hoạt động bình thường) gây đau cơ, khiến cho bạn khó ngủ. Trong trường hợp này, bạn nên hỏi bác sỹ liệu bạn có thể bổ sung enzyme Q10 không.
2. Hạn chế ngủ ngáy
Ngáy là một dấu hiệu cơ bản của sự ngừng thở do tắc nghẽn (OSA) khi ngủ, làm gián đoạn và xấu đi chất lượng giấc ngủ. Điều đáng nói là sau thời kỳ mãn kinh, nguy cơ này càng gia tăng. Lý do là vì ở thời kỳ này, lượng progesterone (loại hormone có tác dụng làm cho đường thở mở rộng ra) bị giảm sút. Ngoài ra, tăng cân cũng là một nguy cơ lớn dẫn đến OSA. Vì vậy hãy giữ cho cơ thể ở mức trọng lượng vừa phải.