Bệnh viêm V.A mạn tính

Viêm V.A mạn tính là do khi trẻ bị viêm V.A cấp không được điều trị dứt điểm hoặc điều trị không đúng.

Viêm V.A mạn tính ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ, thậm chí gây nhiều biến chứng.

Trong họng có nhiều tổ chức lympho rải rác khắp niêm mạc hoặc tập trung thành từng khối ở mặt trước của họng gọi là vòng Waldeyer, trong đó có amiđan vòi (Amygdale de Gerlach) và amiđan vòm họng (Amygdale de Luschka). Khi tổ chức này viêm và quá phát thành khối gọi là sùi vòm họng (Végétations Adenoides: V.A), gây cản trở đến việc hít thở không khí. Bình thường V.A phát triển từ 6 tháng tuổi, phát triển mạnh lúc 2 - 5 tuổi, từ 9 -10 tuổi  V.A teo dần và chỉ còn dấu vết ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, ở một số người do V.A viêm kéo dài, quá phát nên vẫn còn tồn tại đến tuổi trưởng thành. Nhiệm vụ của V.A là nhận biết và định dạng các yếu tố gây bệnh xâm nhập cơ thể và giúp cơ thể sản xuất các kháng nguyên bảo vệ cơ thể, nhưng nó cũng thường xuyên bị tấn công và trở thành nơi cư trú của vi khuẩn gây bệnh

Viêm V.A mạn tính là gì?

Viêm V.A mạn tính là tình trạng quá phát và xơ hóa của tổ chức V.A sau nhiều lần viêm cấp tính, được thể hiện nhiều triệu chứng và có thể gây nhiều biến chứng.

Triệu chứng của viêm V.A mạn tính:

Trẻ thường hay bị sốt vặt (thỉnh thoảng sốt), chậm phát triển so với lứa tuổi, kém nhanh nhẹn, ăn uống kém, người gầy, da xanh. Tai hơi bị nghễnh ngãng nên trẻ kém tập trung, đãng trí do não thiếu oxy bởi thiếu thở kéo dài, mạn tính.

Bệnh viêm V.A mạn tính

Hai dấu hiệu chủ yếu của viêm V.A mạn tính là chảy nước mũi và nghẹt mũi mạn tính. Trẻ chảy nước mũi trong hoặc nhầy, cũng có thể chảy nước mũi kèm mủ (bội nhiễm) và thường chảy nước mũi thường xuyên. Một số trẻ bị nhiễm vi khuẩn mủ xanh (P.aeruginasa) nên mủ chảy ra có màu xanh, chảy thường xuyên thường được gọi là “thò lò mũi xanh”. Nghẹt mũi có nhiều mức độ, ít thì chỉ nghẹt về đêm, nhiều sẽ nghẹt suốt ngày, thậm chí tắc mũi hoàn toàn làm cho trẻ phải thở bằng mồm và nói hoặc khóc giọng mũi. Ngoài ra trẻ hay bị ho khan do viêm họng,  ngủ không yên giấc, ngáy to, thở bằng mồm và hay giật mình.

Biến chứng

    Biến chứng hay gặp nhất là  gây viêm mũi, họng. Do nghẹt mũi kéo dài, vi khuẩn cộng sinh trong mũi sẽ trở thành vi khuẩn gây bệnh làm viêm mũi, họng (trẻ ho khan). Biến chứng hay gặp hơn và nặng hơn là viêm tai giữa thường là dạng viêm tai giữa thanh dịch hoặc mủ nhầy. Viêm V.A mạn tính có thể gây biến chứng viêm xoang. Biến chứng xa hơn là viêm hô hấp như viêm thanh quản (giọng khàn khi nói, khóc) hoặc viêm phế quản (sau vài ngày sốt, chảy mũi và ho, trẻ sốt cao hơn, ho nhiều dữ dội, thở khò khè và nhanh, nếu nặng có thể có dấu hiệu khó thở, tím tái), nặng hơn nữa là viêm phổi. Viêm V.A mạn tính có thể gây viêm đường tiêu hóa (đau bụng đi ngoài ra nhầy, nước) hoặc viêm hạch gây áp xe thành sau họng. Nguy hiểm nhất là viêm nhiễm V.A do vi khuẩn liên cầu nhóm A (St. pyogenes) có thể gây biến chứng thấp khớp cấp hặc viêm cầu thận cấp. Viêm V.A mạn tính kéo dài có thể  ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể (cơ thể bị biến dạng, lồng ngực bị lép và hẹp bề ngang, lưng cong hoặc gù, bụng ỏng đít teo). Trẻ luôn thể hiện mệt mỏi, lười ăn, biếng chơi, buồn ngủ, kém thông minh.

    Nguyên tắc điều trị

    Điều trị bằng nội khoa (bằng hút mũi, nhỏ mũi để bệnh nhân dễ thở và thuốc sát trùng nhẹ bằng Ephedrin 1%, Argyron 1%). Có thể khí dung mũi bằng corticoid và kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Nếu không đỡ hoặc không khỏi, cần khám bệnh chuyên khoa tai mũi họng ở bệnh viện để có thể được nạo V.A.

    Thế nào là nạo V.A?

    Nạo V.A là một thủ thuật khá đơn giản và theo các nhà chuyên môn nên nạo V. A bằng gây mê nội khí quản, dùng nội soi và hammer. Phương pháp này rất nhẹ nhàng, không hề gây sang chấn tinh thần cho trẻ. Thủ thuật chỉ diễn ra trong vòng vài phút, không mất nhiều máu và bệnh nhi có thể về nhà sau đó chừng nửa giờ đồng hồ, trẻ sau khi được nạo V.A có thể ăn uống bình thường, không cần kiêng nói.

    Khi nào nạo V.A?

    Khi V.A bị viêm tái đi tái lại nhiều lần trong năm, cụ thể là nhiều hơn 5 lần/1năm hoặc V.A đã gây biến chứngthường gặp như bít tắc cửa mũi sau (phát hiện qua nội soi) gây ngủ ngáy, gây hội chứng ngừng thở khi ngủ, gây thiếu oxy não hoặc viêm V.A gây rối loạn phát triển thể chất, trẻ còi cọc không lớn được, gây biến dạng sọ mặt. V.A bị quá phát gây viêm viêm phế quản,viêm tai giữa haymột số biến chứng khác như viêm thanh quản hạ thanh môn, ápxe thành sau họng.

    Bệnh viêm V.A mạn tính

    Tuy vậy, có một số trường hợp không thể thực hiện nạo V.A (chống chỉ định tuyệt đối) như bệnh ưa chảy máu, rối loạn đông máu, bệnh tim. Với một số chống chỉ định tương đối như  khi đang  viêm V.A cấp tính hoặc đang mắc bệnh nhiễm trùng cấp (cúm, sởi, ho gà,viêm phế quản, phổi, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp...) hoặc  trẻ đang mắc bệnh dị ứng, hen phế quản, lao, giang mai, AIDS, hở hàm ếch… hoặc thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

    Cần lưu ý, nạo V.A hay không, dứt khoát phải được khám tại phòng khám chuyên khoa tai mũi họng có đủ tiện nghi (phòng khám tai mũi họng ở các bệnh viên) và phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

    Nạo V.A có biến chứng không?

    Có thể có một số trường hợp (rất hiếm khi xảy ra) là chảy máu, cần thiết phải xử lý tại chỗ. Hoặc sau khi liền sẹo, có thể xảy ra trường hợp giọng nói bị thay đổi nhẹ bởi hở thông khí ở màn hầu (do tiền sử bị sứt môi - hở hàm ếch). Trong trường hợp này phải điều trị phục hồi về luyện phát âm (thực hiện bởi chuyên viên chỉnh âm).

    TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
    Hiển thị tất cả kết quả cho ""