Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh là viêm họng mạn tính kéo dài, nghiện thuốc lá, uống rượu nhiều.
Ở giai đoạn sớm có tới 80% bệnh nhân ung thư vòm họng bị nhức đầu lan tỏa, âm ỉ và thường ở một bên đầu. Ù tai chiếm 70% ca bệnh, đa số ù một bên tai, lúc nào cũng như có tiếng ve kêu, ngạt một bên mũi lúc nặng, lúc nhẹ, có khi chảy máu mũi. Ở giai đoạn muộn, người bệnh nhức đầu liên tục, có lúc đau dữ dội. Ù tai tăng dần dẫn tới nghe kém hoặc điếc. Mũi ngạt nặng liên tục và thường có chảy máu mũi.
Tổ chức ung thư vòm họng khi xâm lấn tới nền sọ (giai đoạn muộn) có thể gây tổn thương các dây thần kinh sọ não. Thường 80% số bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư vòm họng đã có hạch cổ. Hạch thường nằm ở cùng bên với khối u. Trong số đó có trên 60% bệnh nhân nổi hạch cổ ngay từ đầu và chính vì sự nổi hạch bất thường này mà người bệnh đi khám.
Khi bị ung thư vòm họng, các xét nghiệm cần làm là chẩn đoán tế bào học và mô bệnh học. Chẩn đoán tế bào học là lấy tế bào bong ở khối u bằng tăm bông, hoặc chọc kim nhỏ vào hạch lấy ít tế bào, cố định trên lam kính, nhuộm rồi soi trên kính hiển vi quang học có độ phóng đại 100 đến 1.000 lần. Chẩn đoán mô bệnh học là lấy một mảnh nhỏ ở tổ chức u hoặc nghi ngờ khối u, hoặc lấy ở hạch cổ bằng kim bấm chuyên dụng. Mảng sinh thiết được cố định bằng dung dịch chuyên dụng, sau đó vùi trong paraphin rồi cắt mỏng 3-4 phần nghìn milimét, nhuộm và soi dưới kính hiển vi quang học.
Ngoài ra, có thể làm các xét nghiệm khác như: chụp X-quang hộp sọ, chụp cắt lớp vi tính, chụp X-quang phổi, siêu âm gan, xét nghiệm miễn dịch về virus EBV.
Ung thư vòm họng được điều trị chủ yếu bằng tia xạ. Các trường hợp muộn có kết hợp hóa trị. Để điều trị di căn tới hạch, xương, phổi, gan..., tùy trường hợp, có thể dùng phương pháp cắt bỏ kết hợp với tia xạ hoặc hóa chất.
BS Nguyễn Phương, Sức Khỏe & Đời Sống