Bệnh thoái hóa niêm mạc dạ dày

Thoái hóa niêm mạc dà dày là bệnh trên thực tế thường hay gặp với đa dạng về bệnh cảnh lâm sàng,

Chúng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng kể cả trường hợp dẫn đến biến chứng tiền ung thư và ung thư. Bệnh cần được phát hiện, chẩn đoán và điều trị thích hợp; đồng thời nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Niêm mạc dạ dày là lớp bao phủ toàn bộ mặt trong thành dạ dày gồm lớp biểu mô, lớp đệm và lớp cơ niêm mạc; chúng được nuôi dưỡng từ các nhánh của động mạch thân - tạng, hệ mạch bạch huyết bắt đầu từ niêm mạc chạy vào các lớp dưới niêm mạc, tập trung đổ vào 3 chuỗi hạch nằm dọc động mạch vành - vị, động mạch gan và động mạch lách; dây thần kinh sọ não số X và hệ giao cảm điều hòa các quá trình cơ học và tiết dịch của niêm mạc dạ dày do hệ thần kinh cao cấp chỉ huy.

Nguyên nhân gây thoái hóa

Thoái hóa niêm mạc dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm: quá trình thoái hóa niêm mạc tự nhiên khi tuổi đã cao. Cơ thể chịu các tác nhân cơ học, hóa học, nhiệt học trên lớp biểu mô niêm mạc dạ dày như dùng thức ăn khó tiêu, quá nóng, quá lạnh, cứng, rắn, nhai không kỹ, ăn uống không điều độ, uống rượu bia, dùng các chất gia vị... Sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, sulfamide, iodosalicylate, indometacine, quinine, quinacrine, aspirine, corticoide, phenylbutazone... Do sự lan truyền của các ổ viêm nhiễm như viêm hạch hạnh nhân, viêm xoang, viêm dạ dày, viêm túi mật. Do sự thay đổi kéo dài chức năng vận động và tiết dịch vị dạ dày vì rối loạn hoạt động thần kinh thực vật. Do rối loạn nội tiết như tăng hoạt động tuyến thượng thận, tăng hoạt động tuyến giáp trạng, bệnh myxoedeme. Do rối loạn chuyển hóa, dị ứng, thiếu oxy trong suy giảm tuần hoàn, thiếu vitamin, yếu tố tự miễn dịch... và cả vai trò của thần kinh cao cấp.

Chẩn đoán

Chẩn đoán lâm sàng trường hợp thoái hóa niêm mạc dạ dày khá phức tạp vì thoái hóa niêm mạc dạ dày do nhiều nguyên nhân khác nhau đã nêu ở trên, chúng để lại nhiều hậu quả rất đa dạng gồm các rối loạn cảm giác, vận động, tiết dịch cũng như các tổn thương thực thể khác nên có nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau. Vì vậy, khi chẩn đoán lâm sàng chỉ có thể dựa vào một số triệu chứng chung nhất như: có cảm giác nặng nề ở vùng bụng, đau vùng thượng vị, cơn đau lúc thì âm ỉ lúc thì dữ dội nhất là sau khi ăn hoặc uống chất kích thích; có triệu chứng nóng rát trong dạ dày, ợ hơi hoặc ợ chua, buồn nôn và nôn, đầy hơi, ăn mất ngon, bị táo bón hoặc tiêu chảy bất thường; hay hồi hộp, xúc động, có khi có dấu hiệu ngoại tâm thu; cơ thể gầy sút, thiếu máu...

    Chẩn đoán cận lâm sàng được thực hiện bằng một số phương pháp lấy dịch vị ở những thời điểm khác nhau như lấy dịch vị khi còn đói, sau khi rửa dạ dày, sau bữa ăn có thực đơn đặc biệt, sau khi uống hoặc tiêm các chất kích thích tiết dịch vị như caffein, histamin, insulin... Các phương pháp này có thể xác định được số lượng và độ toan dịch vị, qua đó gián tiếp phát hiện tình hình thực trạng thoái hóa niêm mạc dạ dày.

    Các phương pháp chụp phim X-quang kể cả phương pháp chụp với chất cản quang, bơm hơi phúc mạc chỉ có thể phát hiện một cách khái quát hình ảnh niêm mạc, những biến đổi về nhu động và trương lực dạ dày. Phương pháp chẩn đoán bằng đồng vị phóng xạ, phương pháp đánh dấu hồng cầu... cho phép xác định lượng hấp thụ vitamin B12, lượng yếu tố nội tại, dấu hiệu chảy máu niêm mạc dạ dày trong quá trình thoái hóa. Phương pháp xét nghiệm phân, chụp ảnh dạ dày, siêu âm, chẩn đoán tế bào học dịch vị cũng góp phần phát hiện được tổn thương niêm mạc dạ dày trong quá trình thoái hóa. Với sự phát triển của phương pháp nội soi với ống soi mềm, kỹ thuật sinh thiết phát hiện bệnh bằng kính hiển vi và kính hiển vi điện tử đã nâng cao chất lượng chẩn đoán; dùng ống soi mềm tiến hành soi dạ dày để đánh giá hình ảnh đại thể, sinh thiết vùng nghi ngờ ở những bệnh nhân có hội chứng dạ dày, cố định mảnh sinh thiết để làm tiêu bản chẩn đoán vi thể bằng kính hiển vi để phân tích biến đổi cấu trúc vi thể niêm mạc dạ dày; có thể kiểm tra lại bằng kính hiển vi điện tử với độ phóng đại to hơn mà kính hiển vi bình thường không xác định được. Căn cứ vào sự biến đổi vi thể niêm mạc dạ dày, so sánh với hình ảnh đại thể qua ống nội soi, kết quả định lượng dịch toan và biến đổi cấu trúc siêu vi thể trong những trường hợp nghi ngờ để xác định tỉ lệ và phân loại độ thoái hóa ở các lớp biểu mô, lớp đệm, lớp tuyến; mức độ thâm nhiễm tế bào tròn và dị sản ruột niêm mạc dạ dày.

    Bệnh thoái hóa niêm mạc  dạ dàyThoái hóa niêm mạc dạ dày là bệnh thường gặp trong các bệnh lý của hệ tiêu hóa

    Điều trị và phòng bệnh

    Việc điều trị bệnh thoái hóa niêm mạc dạ dày muốn thực hiện có hiệu quả trước hết cần phải dựa vào tình hình bệnh cảnh lâm sàng thực tiễn của từng bệnh nhân. Thực tế phải kết hợp điều trị triệu chứng với điều trị căn nguyên, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền. Trong điều trị nội khoa, phải chỉ định cho bệnh nhân thực hiện đúng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và dùng thuốc đúng quy định. Cần bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng các loại thuốc băng niêm mạc dạ dày, thuốc chống viêm, chống phù và hình thành sẹo theo chỉ định của bác sĩ. Ngăn chặn rối loạn bài tiết và trung hòa dịch toan bằng nhiều cách như tránh dùng những chất kích thích như rượu, chè, cà phê, thuốc lá...; ức chế trung tâm thần kinh bằng các thuốc an thần, ức chế chất trung gian dẫn truyền acetylcholin bằng các loại thuốc kháng cholin, ức chế nơi tiếp nhận histamin... Trong trường hợp giảm thiểu độ toan, cần cung cấp cho cơ thể một lượng pepsin và HCl thích hợp. Trường hợp thiếu máu ác tính, cần nhanh chóng cung cấp lượng HCl, vitamin B12, yếu tố nội tại phù hợp với tình trạng thực tiễn của từng bệnh nhân. Hiện nay phương pháp điều trị thoái hóa niêm mạc dạ dày bằng y học cổ truyền cũng đã góp phần rất tích cực trong điều trị nội khoa để điều chỉnh độ toan và bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm đau, chống viêm, phục hồi niêm mạc...; đồng thời phương pháp dưỡng sinh, xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt cũng đã đem lại nhiều tác dụng tốt.

    Việc phòng bệnh cần chú ý đến những vấn đề như phát hiện sớm sự tổn thương từ giai đoạn đầu để kịp thời có biện pháp điều trị đúng, cần có chế độ sinh hoạt điều độ, tránh làm việc quá sức, tránh căng thẳng thần kinh kéo dài; có chế độ ăn uống thích hợp và bảo đảm vệ sinh, tránh ăn các loại thức ăn cứng có nhiều xơ, quá nóng hoặc quá lạnh; không nên dùng rượu mạnh, trà hay chè đặc, thuốc lá, cà phê, thức ăn có nhiều gia vị kích thích nhất là khi đang đói. Cần lưu ý không được ăn nhanh, vừa ăn vừa làm việc hoặc làm lao động nặng sau khi ăn; vận dụng và phối hợp các liệu pháp thể dục, dưỡng sinh, xoa bóp... để từng bước nâng cao sức khỏe toàn diện; điều trị kịp thời những ổ viêm nhiễm nhất là các bộ phận có liên quan trực tiếp đến hệ tiêu hóa như: mũi, miệng, răng, họng, túi mật...

    Lời khuyên của thầy thuốc
    Thoái hóa niêm mạc dạ dày là một bệnh lý thường gặp trong thực tế ở hệ tiêu hóa. Chúng có bệnh cảnh lâm sàng khá đa dạng và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, có thể dẫn đến biến chứng tiền ung thư và ung thư. Vì vậy, khi bắt đầu có những biểu hiện rối loạn chức năng dạ dày thì phải cần lưu ý để khám phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời, phù hợp theo từng trường hợp bệnh vì thoái hóa niêm mạc dạ dày là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn chức năng dạ dày. Thoái hóa dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nên muốn điều trị có hiệu quả phải cần dựa vào tình hình bệnh cảnh lâm sàng thực tiễn của từng bệnh nhân, kết hợp điều trị triệu chứng với điều trị căn nguyên, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền. Việc phòng bệnh cũng cần lưu ý thực hiện bằng các biện pháp cần thiết theo khuyến cáo đã được nêu ở trên để phòng ngừa có kết quả.

    BS. NGUYỄN TRÂM ANH

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
    Hiển thị tất cả kết quả cho ""