Có rất nhiều sai lầm mà bệnh nhân đái tháo đường gặp phải trong quá trình điều trị bệnh. Nhân Ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân – Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, BV Bạch Mai chỉ rõ những sai lầm người bệnh cần tránh để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân.
Liên Đoàn Đái tháo đường (ĐTĐ) thế giới ước tính năm 2017: 1 trong 11 người trưởng thành (20-79 tuổi) bị ĐTĐ (khoảng 425 triệu người); 1 trong 2 người trưởng thành bị ĐTĐ không được chẩn đoán (trên 212 triệu người); 12% chi phí cho y tế của toàn thế giới được chi cho bệnh nhân ĐTĐ (727 tỷ USD).
1 trong 6 trẻ sinh ra (16.2%) bị ảnh hưởng bởi ĐTĐ thai kỳ; 3/4 (79%) số người bị ĐTĐ sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình; 1.106.500 trẻ em và trẻ vị thành niên bị ĐTĐ tuýp 1.
Để phòng chống bệnh ĐTĐ, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia để dự phòng mắc đái tháo đường nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung.
Bên cạnh đó, thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi, là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh sớm.
Người mắc bệnh ĐTĐ vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.
Kiêng đường và tinh bột
Theo PGS. Vân, trên thực tế bệnh nhân ĐTĐ có rất nhiều sai lầm khi điều trị, xuất phát từ bản thân bệnh nhân không hiểu biết rõ về căn bệnh của mình cũng như không có kiến thức đầy đủ trong điều trị bằng chế độ ăn, luyện tập, thuốc uống.
“Nhiều người nghĩ rằng, nếu như kiêng tất cả các loại đường và không ăn tinh bột thì sẽ mang lại hiệu quả tốt trong kiểm soát ĐTĐ. Nhưng ngược lại chính điều ấy là không đúng vì bữa ăn của người ĐTĐ phải là một bữa ăn cân đối, có đầy đủ các thành phần tinh bột, mỡ, đạm để điều hoà tốt nhất”- PGS. Vân nói.
Bên cạnh đó là việc luyện tập, có người bệnh ĐTĐ không luyện tập tí nào nhưng có người lại luyện tập thái quá. Như vậy việc sai lầm chế độ ăn, luyện tập là một trong những điều bản thân người bệnh không hề biết và rất hay gặp phải.
PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân.
Không tái khám sau dùng thuốc
Sai lầm thứ 2, theo PGS. Vân, ĐTĐ là bệnh lý mạn tính kéo dài nhưng rất nhiều người bệnh khi mà đến với bác sĩ thường nghĩ rằng đơn thuốc của bác sĩ là khỏi hoàn toàn và sau đơn thuốc ấy người bệnh không đi khám lại nữa.
Chính vì thế, đường máu dễ tăng trở lại và người bệnh có thể có nguy cơ bị các biến chứng tiếp theo.
Một vấn đề nữa hay gặp phải khi khám bệnh là với một đơn thuốc như vậy, bệnh nhân khi tái khám thì không mang theo sổ y bạ cũ.
Trong khi tất cả các bác sĩ muốn điều trị tốt cho người bệnh thì luôn luôn phải có theo dõi thuốc điều trị như thế nào, uống có tác dụng hay không và hiệu quả ra làm sao? Chính điều này đã gây khó khăn trong quá trình trị bệnh để đạt hiệu quả.
Chỉ theo dõi đường máu lúc đói
Một sai lầm tiếp theo được PGS. Vân “điểm mặt” là vấn đề theo dõi đường máu. “Nhiều người bệnh nói là tôi theo dõi đường máu thấy rất tốt, thử đường máu mỗi tuần một lần, thậm chí sáng nào tôi cũng thử và đường máu rất tốt nhưng tại sao lại vẫn bị biến chứng?
Tôi cho rằng đây chính là sai lầm, người bệnh nghĩ rằng chỉ cần thử đường máu một tuần một lần là đủ và chỉ thử đường máu lúc đói, điều này hoàn toàn không phải như vậy vì tăng đường máu sau ăn cũng tác động gây ra những hậu quả không mong muốn cho sức khoẻ.
Do đó, người bệnh bắt buộc phải theo dõi cả đường máu lúc đói và đường máu sau ăn; không phải chỉ 1 lần trong 1 tuần mà là nhiều ngày trong một tuần và nhiều lần trong một ngày cho đến khi đường máu ổn định rồi thì các bác sĩ khuyến cáo người bệnh giảm dần lượt thử đi”- PGS. Vân phân tích.
Chỉ lo kiểm soát đường huyết, lơ là bệnh khác
Với người bệnh ĐTĐ, đặc biệt là người bệnh ĐTĐ tuýp 2 thường là người lớn tuổi, bên cạnh ĐTĐ thì người bệnh hay bị các bệnh lý khác như tăng huyế áp, rối loạn lipid máu nhưng đa số bệnh nhân chỉ chăm chăm kiểm soát đường máu nhưng lại bỏ quên đi mất chỉ số huyết áp, tình trạng rối loạn lipid máu ấy cũng là các yếu tố nguy cơ tác động qua lại và ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh.
Kiểm soát đường huyết, tình trạng tăng huyết áp, rối loạn lipid máu là điều cần thiết bảo vệ sức khoẻ cho bệnh nhân ĐTĐ. Ảnh minh hoạ.
Tự ý dùng thuốc, dùng thuốc không rõ nguồn gốc
Trong quá trình điều trị, PGS. Vân cho biết, nhiều bệnh nhân có hiểu biết nhiều cũng tự ý trong việc dùng thuốc, dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ, mua thuốc không rõ nguồn gốc, mua qua mạng các thuốc không được nghiên cứu một cách bài bản để uống thay thế thuốc kiểm soát đường máu vì nghĩ là thuốc tốt.
Bên cạnh đó là thói quen sử dụng đơn thuốc của người khác và tự ý mua thuốc dùng lại đơn thuốc này.
Chính thực tế sử dụng các thuốc không rõ ràng như vậy đôi khi để lại cho người bệnh không chỉ tăng hoặc hạ đường huyết quá mức mà còn gây tổn thương chức năng gan thận, thậm chí suy thận do thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng sức khoẻ người bệnh.
“Trên thực tế chung tôi gặp nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, thuốc theo truyền miệng thậm chí thuốc từ nước ngoài về nhưng bản thân các bác sĩ chúng tôi cũng không rõ thành phần bên trong như thế nào, cho nên việc sử dụng thuốc ấy vo cùng nguy hiểm.
Các thuốc trị bệnh ĐTĐ chúng tôi đang sử dụng cho người bệnh thì bắt buộc phải được nghiên cứu trên hàng chục ngàn bệnh nhân, trên rất nhiều nước và trên những nghiên cứu dài hạn, có khi đến 10-20 năm để xem các thuốc ấy có kiểm soát tốt đường máu không, có để lại các cái tác dụng phụ bất lợi gì cho người bệnh hay không.
Ngoài ra dùng thuốc phải uống đúng uống đủ, sử dụng đúng, sử dụng đủ, 1 viên thuốc trị ĐTĐ nếu chỉ cần uống sai trước ăn hoặc sau ăn hoặc tiêm sai vị trí, hoặc kỹ thuật tiêm sai thì đôi khi để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh.
Chính vì thế theo tôi, người bệnh phải được giáo dục đào tạo rất kỹ tránh sai lầm đáng tiếc thì mới hi vọng tránh được các biến chứng nguy hiểm”- PGS. Vân cho biết thêm.
PGS. Vân khuyến cáo: Bệnh nhân ĐTĐ muốn điều trị được tốt thì mỗi một người bệnh sẽ phải đến gặp chính bác sĩ chuyên khoa của mình để có mục tiêu điều trị thích hợp.
Bệnh nhân cũng cần luôn ghi nhớ rằng, kiểm soát đường máu; kiểm soát mỡ máu, các tình trạng rối loạn lipid máu là vô cùng quan trọng và chúng ta phải thường xuyên luyện tập, chú ý chế độ ăn cũng như kiểm soát đướng máu định kỳ giúp nhận biết bệnh ĐTĐ đang ở mức độ nào, có kiểm soát được tốt đường máu cũng như các nguy cơ hay không.
Với người bệnh ĐTĐ, biến chứng chi là biến chứng để lại hậu quả rất nặng nề thậm chí gây tàn phế.
Biến chứng bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ có 3 yếu tố gồm biến chứng về không kiểm soát được đường máu, thứ 2 là biến chứng về mạch máu – mạch máu nuôi dưỡng các chi kém đi và thứ 3 là biến chứng về thần kinh làm người bệnh mất cảm giác, đi dẫm lên vật sắc nhọn mà không cảm nhận được.
“Có những người bệnh bị biến chứng do chỉ tổn thương một cái rất đơn giản ví dụng cắt móng chân không đúng cách mà không kiểm soát tốt cũng có thể nhiễm trùng.
Như vậy rõ ràng, mạch máu, thần kinh và nhiễm trùng là 3 yếu tố tác động làm cho tổn thương bàn chân rất nặng nề, có những bệnh nhân khi đến với chúng tôi chỉ đơn giản dẫm phải gai và mưng mủ, người bệnh chủ quan không điều trị đến nơi đến chốn lại tự ý dùng kháng sinh dẫn đến nhiễm trùng, viêm xương và không giữ nổi bàn chân và phải đoạn chi.
Đây là điều rất đau lòng”- PGS. Vân chia sẻ.
Yoga cười cho bệnh nhân ĐTĐ tại BV Bạch Mai.
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BV Bạch Mai đã thành lập và duy trì hoạt động thường niên 1 Câu lạc bộ dành cho những người bệnh và người nhà bị ĐTĐ.
Các buổi sinh hoạt của CLB được tổ chức định kỳ vào các thứ 7, tuần thứ 2 của các tháng lẻ trong năm với nhiều chủ để bổ ích và lý thú, giúp cho người bệnh có thêm các kiến thức và kỹ năng cần thiết để phối hợp hiệu quả với thầy thuốc trong việc tự chăm sóc và quản lý bệnh tại nhà.
Buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân ĐTĐ được tổ chức ngày 11/11/2017 gắn với ngày Đái tháo đường thế giới (14/11) với chủ đề: “Những sai lầm thường gặp của người bệnh ĐTĐ".
Những người tham gia sẽ được thử đường máu mao mạch miễn phí, được phát tài liệu bài giảng, được nghe trực tiếp bác sĩ Khoa Nội tiết trình bày bài giảng, đồng thời được đặt câu hỏi, thảo luận, được tham gia trò chơi đố vui có thưởng về các vấn đề liên quan đến bệnh ĐTĐ.