Bệnh cơ xương khớp là bệnh của hệ thống cơ, xương và khớp, thường được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau, sưng khớp, hạn chế vận động, yếu cơ, đau cơ hay các biến dạng xương...
Bệnh lý cơ xương khớp rất đa dạng
Các bệnh lý bộ máy vận động rất phong phú đa dạng với 200 bệnh khác nhau. Các bệnh cơ xương khớp được chia làm hai nhóm: Thứ nhất là nhóm có chấn thương bao gồm chấn thương do thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt… Thứ hai là nhóm không chấn thương, bao gồm rất nhiều loại bệnh lý xương khớp như bệnh hệ thống (lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa cơ và viêm da cơ, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp); bệnh khớp tinh thể như bệnh gút; bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính (viêm cột sống dính khớp và viêm khớp phản ứng); bệnh lý nhiễm khuẩn liên quan tới hệ xương khớp (viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp do lao, viêm khớp do vi-rút, viêm khớp do ký sinh trùng và nấm, thấp khớp cấp); bệnh xương khớp không do viêm (loãng xương, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, hoại tử vô khuẩn xương); các bệnh lý phần mềm cạnh khớp (viêm gân, viêm bao gân, viêm túi thanh dịch); các bệnh lý cơ xương khớp khác (u xương nguyên phát, ung thư di căn xương).
Yếu tố nào gây bệnh?
Có thể nói bệnh cơ xương khớp xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi và cả hai giới, mặc dù phụ nữ bị bệnh nhiều hơn so với nam giới. Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp.
Các khớp dễ bị tổn thương.
Đầu tiên là các yếu tố không thay đổi được như: Tuổi, giới tính, di truyền. Tuổi cao làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như thoái hóa khớp, loãng xương. Tuổi thọ con người càng được nâng cao thì tỉ lệ các bệnh xương khớp cũng càng trở nên phổ biến.
Về giới tính và hormon: Nữ giới có xu hướng mắc một số bệnh nhiều hơn nam như viêm khớp dạng thấp, lupus, xơ cứng bì, thoái hóa khớp. Trong khi một số bệnh khác có xu hướng mắc nhiều hơn ở nam giới như gút, nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính.
Các yếu tố di truyền bẩm sinh cũng có vai trò quan trọng: Một số người sinh ra với dị dạng hoặc sụn khớp bị lỗi, có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Người mang gen HLA - B27 có nguy cơ mắc các bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính.
Các yếu tố có thể thay đổi được vì chúng ta có thể can thiệp được: Ví dụ, bệnh béo phì, trọng lượng cơ thể nhiều hơn, sức ép lên khớp tăng lên làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp; một số ngành nghề có công việc căng thẳng lặp đi lặp lại có thể dẫn tới thoái hóa khớp hay viêm gân; tư thế sinh hoạt, làm việc sai tư thế có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như thoái hóa khớp, gây gù vẹo cột sống, đau do co cứng cơ; chế độ dinh dưỡng không lành mạnh như ăn nhiều đạm làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
Hậu quả nặng nề…
Hậu quả của bệnh loãng xương là rạn xương, nứt vỡ hoặc gãy xương. Trên thế giới, cứ 30 giây thì có một người bị bệnh gãy xương do loãng xương và được dự đoán rằng đến năm 2050 các nước châu Á, trong đó có nước ta sẽ có 50% các trường hợp tàn phế hoặc bị đe dọa đến tính mạng do gãy khớp háng vì loãng xương gây ra. Khi bị loãng xương, nếu có một lực tác động mạnh (ngã, gập chân, trượt chân...) thì sẽ xuất hiện gãy, lún cột sống, gãy cổ xương đùi, xương cẳng chân, xương cẳng tay. Thoái hóa khớp có thể dẫn đến sụn khớp bị phá hủy hoàn toàn và đầu xương bị tổn hại nghiêm trọng, người bệnh đứng trước nguy cơ phải thay khớp nhân tạo để có thể duy trì khả năng vận động. Viêm khớp dạng thấp có thể để lại di chứng biến dạng khớp bị viêm, co quắp các ngón tay, hạn chế chức năng vận động, teo cơ và có thể bị tàn phế (khoảng 10 - 15%)… Cùng rất nhiều bệnh lý cơ xương khớp mà hậu quả nặng nề nhất là gây tàn phế cho người bệnh.
Các tiến bộ trong điều trị bệnh cơ xương khớp
Trong khoảng 30 năm gần đây ngành thấp khớp học Việt Nam có sự phát triển vượt bậc và áp dụng được nhiều thành tựu khoa học của thế giới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp. Việc kết hợp nhiều biện pháp nội ngoại khoa và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và đông y đã mang lại hiệu quả điều trị tốt.
Điều trị nội khoa
Các thuốc chống viêm không steroids: Các thuốc mới dựa trên cơ chế ức chế chọn lọc COX-2 giảm thiểu tác dụng phụ trên thận và đường tiêu hoá.
Các thuốc chống thoái hoá khớp tác dụng chậm: Thuốc nhóm này có khả năng tái lập cân bằng chuyển hoá sụn khớp, ít tác dụng không mong muốn, có thể dùng kéo dài, hiệu quả tốt như glucosamin sulphat-viarthril-S, diacerheine (arthrodar). Sử dụng liệu pháp bổ sung chất nhày dịch khớp bằng tiêm acid hyaluronic nội khớp trong điều trị thoái hoá khớp. Điều trị thoái hoá khớp gối bằng liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu, tế bào gốc mô mỡ tự thân.
Thuốc sinh học: Các thuốc sinh học trong điều trị bệnh lý khớp viêm (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống) như thuốc ức chế yếu tố hoại tử u TNF-alpha, ức chế IL 6 cho kết quả khả quan, dung nạp tốt, song giá tiền còn cao.
Một ca nội soi khớp gối.
Điều trị ngoại khoa
Nội soi khớp đạt hiệu quả tốt trong điều trị các trường hợp thoái hoá khớp, nhiễm khuẩn khớp, tổn thương dây chằng, sụn chêm, cắt bỏ màng hoạt dịch... Các kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối, thay đĩa đệm nhân tạo, chỉnh hình cột sống ngày càng trở nên phổ biến.
Dự phòng như thế nào?
Các bệnh cơ xương khớp có thể phòng tránh một cách có hiệu quả, và phòng cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi (từ khi bắt đầu sinh ra cho đến khi tuổi đã cao).
Chế độ ăn uống sinh hoạt cho người mẹ rất quan trọng để có được một trẻ sinh ra khỏe mạnh. Cần bổ sung các khoáng chất như canxi, vitamin D, acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa trong thời kỳ mang thai.
Trẻ sơ sinh tốt nhất là nên được đảm bảo uống sữa mẹ: Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và tiếp tục đến 24 tháng để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
Trẻ em cần có tư thế học tập đúng, không mang vác nặng, tránh chấn thương, tai nạn, và cần uống nhiều sữa, tắm nắng 30 phút mỗi ngày.
Người lớn nên tránh mang vác, lao động nặng ở tư thế xấu. Khám sức khỏe định kỳ hàng năm rất quan trọng, giúp phát hiện bệnh sớm, không chỉ là bệnh lý cơ xương khớp mà còn các bệnh lý ở các cơ quan khác như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa... để có kế hoạch điều trị sớm, phòng tránh các biến chứng của bệnh; không nên cố chịu đựng để đến khi bệnh nặng mới đi chữa. Khi đó sẽ mất rất nhiều chi phí chữa bệnh mà hiệu quả điều trị lại không cao.
Khi có các triệu chứng đau xương, cơ, khớp hay hạn chế khả năng vận động cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh. Không nên tự điều trị, hay mua thuốc theo đơn của người khác.
Cần xác định bệnh lý cơ xương khớp là bệnh lý mạn tính nên phải xác định tâm lý yên tâm điều trị lâu dài và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Hết thuốc cần đến tái khám để lấy đơn mới chứ không mua nhiều lần một đơn thuốc. Việc kết hợp nhiều biện pháp dự phòng khác nhau và có lối sống lành mạnh sẽ đảm bảo cho chúng ta có một bộ máy cơ xương khớp khỏe mạnh, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.
PGS. TS. Nguyễn Vĩnh Ngọc
((Phó Chủ tịch Hội thấp khớp học Hà Nội))