Bệnh bướu cổ và những điều cần biết

 Bệnh tuyến giáp bao gồm các thể loại khác nhau về hình thể và chức năng như bướu giáp đơn thuần, bướu giáp đơn nhân, bướu giáp đa nhân.

 Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng vì nó sản sinh ra các chất có vai trò giúp điều hòa những hoạt động về  tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Khi chức năng của tuyến giáp bị rối loạn sẽ gây ra các bệnh như cường tuyến giáp trạng, suy tuyến giáp trạng, bướu lành tuyến giáp trạng và đặc biệt là bệnh ung thư tuyến giáp, một bệnh rất nguy hiểm. Dấu hiệu bệnh bứu cổ như thế nào? Biểu hiện điển hình của hầu hết các bệnh của tuyến giáp là có sự xuất hiện của một khối u lồi ra ở vùng cổ, thường được gọi là bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp, thường gặp nhất và phổ biến nhất là bệnh bướu giáp đơn thuần, chiếm 80% trường hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh bướu cổ chủ yếu do thiếu hụt iod trong cơ thể gây ra nhưng không phải cứ bổ sung đủ iod là bệnh sẽ khỏi. Bướu cổ là căn bệnh rất khó chữa trị vì tác nhân của nó liên quan đến hệ thần kinh và khi bình thường thì tuyến giáp sẽ hấp thu iode từ thực phẩm, từ chất dinh dưỡng. Do đó, khi tuyến giáp không nhận được đầy đủ lượng iod thì nó sẽ giảm sản sinh hoóc-môn cho nên để bù đắp cho việc sản xuất hoóc-môn, tuyến giáp phải tăng thêm kích thước làm cho tuyến giáp phình to ra và như thế là tạo thành bướu cổ.

- Rối loạn bẩm sinh, rối loạn này có tính chất gia đình.

- Do dùng thuốc và thức ăn, do dùng kéo dài một số loại thuốc như: muối lithi dùng trong chuyên khoa tâm thần, thuốc kháng giáp tổng hợp, thuốc có chứa iod như thuốc cản quang, thuốc trị hen, thuốc trị thấp khớp, thuốc chống loạn nhịp hoặc do ăn thức ăn có tác dụng ức chế tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp như các loại rau họ cải, măng, khoai mì… Ngoài ra, những phụ nữ bị kích thích thần kinh trong thời kỳ phát triển hoặc có thai và cho con bú cũng dễ bị bướu cổ. Vì vậy, phương pháp tốt nhất để phòng ngừa vẫn là bổ sung đầy đủ lượng iod cho bữa ăn hàng ngày. Nếu đã có dấu hiệu tuyến giáp to ra, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Yếu tố nguy cơ

- Một số chất hòa tan trong nước ở một số vùng núi có nhiều canxi, magiê, flor..., làm cho nước có độ cứng cao, gây ảnh hưởng đến sự tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp và gây bướu cổ.

- Các thuốc có thể gây ức chế tập trung iod và ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp.

- Di truyền: trong một số trường hợp bệnh có tính chất gia đình, thường do rối loạn tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp bẩm sinh. Bướu cổ thường kèm theo câm điếc, gọi là hội chứng Pendred do rối loạn hữu cơ hóa iod.

- Bệnh mạn tính: các bệnh viêm đại tràng mạn, tiêu chảy mạn, bệnh thận mạn tính... gây rối loạn hấp thu và thải trừ iod.

- Tuổi, trẻ em dễ bị bướu cổ hơn người lớn, đặc biệt là ở tuổi dậy thì vì lúc này nhu cầu hoóc-môn tuyến giáp ở ngoại vi rất cao.

- Giới, bướu cổ thường gặp ở nữ, nhất là ở tuổi dậy thì, khi có kinh, khi cho con bú vì lúc đó nhu cầu hoóc-môn tuyến giáp tăng và oestrogen ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa hoóc-môn tuyến giáp.

- Điều kiện sinh hoạt, nhà ở chật chội, vệ sinh kém, ăn uống thiếu thốn cũng là nguyên nhân thiếu iod và gây bướu cổ.

Bướu cổ hầu như không gây nên những triệu chứng cụ thể nào vì nó quá nhỏ để người bệnh có thể cảm nhận được mà thường chỉ được phát hiện qua các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc các xét nghiệm khác như chụp CT, siêu âm…

Khi bướu lớn, có thể nhận biết được qua hiện tượng cổ bị cứng và bành ra nhưng trong nhiều trường hợp, khi bướu mới phát sinh hoặc còn nhỏ thì hầu như không thể cảm nhận được. Tuy nhiên, có thể nhận biết sự có mặt của nó qua các biểu hiện:- Cảm thấy đau cổ họng hoặc luôn cảm giác cổ họng bị vướng.

- Khó nuốt.

- Khó thở.

- Cảm thấy hồi hộp, có những cơn đau vùng tim thoáng qua, đổ mồ hôi nhiều, giảm cân hay có các biểu hiện của thừa hoóc-môn…

- Mệt hoặc căng thẳng, trí nhớ giảm sút, bị táo bón, da khô, cảm thấy lạnh…

Nếu có những biểu hiện này thì phải đến ngay bệnh viện để khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu. Phần lớn các bướu này thuộc loại lành tính nhưng cũng không loại trừ nó là ung thư. Để có thể xác định là ung thư hay không thì cách duy nhất là sinh thiết để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh và nguy cơ bướu là ung thu càng cao nếu có thêm các dấu hiệu:

- Có một bướu cứng, khác hoàn toàn với những u bướu trước đó.

- Bướu này sẽ phát triển theo từng tuần, từng tháng.

- Nó không di chuyển khi bạn sờ vào nó.

- Bướu phình to trong cổ.

- Giọng khàn khàn và rin rít.

Dù trong trường hợp nào khi có bướu cũng phải tới ngay bệnh viện để làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh biếu cổ có nguy hiểm không? Những biến chứng của bệnh biếu cổ

Nếu bướu giáp nhỏ và không gây ảnh hưởng nào cho cơ thể hoặc thẩm mỹ thì người bệnh không quan tâm nhưng khi bướu giáp lớn sẽ gây khó thở hoặc khó nuốt và có thể có ho và khàn tiếng thì trở thành mối bận tâm của người bệnh. Bướu giáp là biểu hiện các bệnh khác của tuyến giáp chẳng hạn như suy giáp hoặc cường giáp và có thể liên quan với một số biểu hiện từ mệt mỏi, tăng cân đến giảm cân ngoài ý muốn, khó chịu và khó ngủ.

Bướu cổ là bệnh dễ phát hiện nhưng điều trị rất tốn kém do đó để phòng ngừa bệnh bướu cổ, cần thực hiện các việc sau:

- Ăn các thức ăn giàu iod như cá, mắm tôm, nước mắm..., nhất là các thức ăn có nguồn gốc từ biển, dùng nước sạch, cải thiện điều kiện nhà ở, trồng cây phủ xanh đồi trọc chống xói mòn đất nhằm giúp giữ các yếu tố vi lượng trong đất, chữa trị kịp thời các bệnh về đường tiêu hóa và nhất là dùng thuốc hợp lý...

- Dùng muối iod là phương pháp phòng bệnh rất tốt.

Ngoài ra, có thể dùng các loại dầu iod theo chỉ định của bác sĩ để phòng bướu cổ đơn thuần.

                                                                                                                                                BS. HỒ VĂN CƯNG

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""