Các kết quả nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng, nếu không muốn bị hoa mắt chóng mặt thường xuyên, gây trầm cảm, tăng cân và giảm tuổi thọ… thì mọi người nên ngủ đủ giấc. Tuy nhiên, tiến sĩ Matthew Edlund, chuyên gia giấc ngủ - Giám đốc Trung tâm Y học Sinh lý ở Sarasota, Florida, Mỹ cho biết, nếu không thể ngủ thì nghỉ ngơi cũng sẽ giúp trị được nhiều bệnh như giấc ngủ, điều quan trọng là bạn phải biết nghỉ ngơi đúng cách.
Trong nhiều năm, tiến sĩ Matthew Edlund tập trung nghiên cứu về tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe, từ khôi phục, tái tạo tế bào mới đến kiểm soát cân nặng và sức khỏe tâm thần. Nhưng sau một thời gian, ông nhận ra giấc ngủ không thực sự chữa được tất cả các bệnh như ông nghĩ.
Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân của mình, tiến sĩ Matthew Edlund phát hiện, dù ông có thể giúp bệnh nhân ngủ nhiều và tốt hơn thì sức khỏe của họ vẫn rất kém. Ông phát hiện ra rằng, việc nghỉ ngơi đúng cách cũng quan trọng không kém so với ngủ đủ giấc, nhất là trong việc khôi phục, tái tạo cơ thể và duy trì sức khỏe lâu dài.
Tiến sĩ Matthew Edlund cho biết: “Nhiều người bận rộn đến mức cho rằng nghỉ ngơi là lãng phí. Nhưng thực sự, nghỉ ngơi là 1 nhu cầu sinh học của cơ thể. Tất cả các minh chứng khoa học đều cho thấy chúng ta cần nghỉ ngơi như cần thực phẩm. Tuy nhiên, sự nghỉ ngơi không có nghĩa là thả mình vào chiếc ghế sofa đặt trước màn hình tivi”
Tiến sĩ Matthew Edlund cho biết việc xem truyền hình giống như nghỉ ngơi “thụ động vì cơ bản lúc này não vẫn ù lì (nghiên cứu cho thấy trong một số trạng thái “nghỉ ngơi”, năng lượng được sử dụng nhiều hơn so với khi não đang thực hiện nhiệm vụ).
Những gì chúng ta cần là nghỉ ngơi “tích cực” – điều này sẽ làm bạn cảm thấy lanh lợi và tích cực hơn, giảm stress và cho bạn cơ hội để sống khỏe và sống thọ hơn.
Sau đây là 4 loại nghỉ ngơi tích cực được Tiến sĩ Matthew Edlund đề xuất:
- Nghỉ ngơi xã hội
- Nghỉ ngơi tinh thần
- Nghỉ ngơi thể chất
- Niềm tin tôn giáo
Nghỉ ngơi xã hội: bao gồm thời gian dành cho bạn bè, các mối quan hệ xã hội và thậm chí là trò chuyện với đồng nghiệp... sẽ giúp cơ thể giảm hoóc-môn stress và tăng tiết các hoóc-môn có lợi cũng như những lợi ích tinh thần khác.
Tiến sĩ Matthew Edlund đã dẫn kết quả từ một nghiên cứu nổi tiếng ở thế kỷ 17 về tầm quan trọng của giao tiếp xã hội cho thấy, việc hòa nhập xã hội không chỉ tạo ra sự thư giãn mà còn rất thiết yếu đối với sự sống của con người. Những người cởi mở, dễ hòa nhập sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim cũng như các bệnh khó chữa khác tốt hơn những người sống quá khép kín.
Các nghiên cứu khoa học hiện đại ngày nay cũng cho thấy các mối quan hệ xã hội không chỉ mang thêm thời gian sống cho bệnh nhân ung thư mà còn giúp con người chiến thắng các bệnh truyền nhiễm, trầm cảm cũng như nguy cơ tử vong do đột quỵ.
Nghỉ ngơi tinh thần: Ngày nay chúng ta thường cố gắng để làm thật nhiều việc cùng 1 lúc: nhắn tin trong khi lái xe, ăn trong khi xem tivi… và hậu quả là đánh mất đi nhu cầu tìm hiểu của não bộ bằng cách tập trung vào 1 việc.
Sự kết hợp này, dù chỉ trong một thời gian ngắn, cũng sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm thay đổi huyết áp, nhịp tim và thân nhiệt. Vậy nên nghỉ ngơi tinh thần là hãy hết mình với 1 công việc đơn giản nào đó và đừng để những điều khác làm bạn phân tán tư duy dù chỉ trong một thời gian ngắn.
Nghỉ ngơi thể chất: Đây là sự kết hợp giữa các hoạt động của toàn cơ thể để cơ thể và tâm trí thư thái hoàn toàn.
Cách tốt nhất để làm điều này là dừng mọi việc lại và hãy hít thở thật sâu. Hít một hơi thật sâu sẽ cung cấp ô-xy cho phổi, khai thông những nơi không khí chưa được đẩy tới, vận chuyển ô-xy vào máu đi khắp cơ thể.
Một trong những cách tuyệt vời cho sự nghỉ ngơi thể chất là ngủ trưa (15-30 phút) nếu bạn cảm thấy mệt. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Hy Lạp đã chỉ ra rằng một giấc ngủ ngắn 30 phút ít nhất 3 lần/tuần sẽ giúp giảm 37% nguy cơ đau tim. Một nghiên cứu của NASA cho thấy một giấc ngủ ngắn trong 26 phút có thể cải thiện hiệu suất làm việc là 38%.
Niềm tin tôn giáo: Các hình chụp não bộ cho thấy, những người tập thiền thành công có thùy trán trước (phần điều khiển sự tập trung, chú ý) phát triển hơn, nhiều chất béo hơn; lượng chất xám trong não giữa (điều khiển các chức năng như hô hấp, tuần hoàn) và vỏ não trước trán (quan trọng cho sự phối hợp các cơ và các hoạt động ghi nhớ) cũng “lớn lên”. Cấu trúc của thalamus (một phần của bộ não giúp xử lý thông tin từ các phần của cơ thể) có sự thay đổi.
Hình chụp não bộ của những người thường xuyên cầu nguyện các đấng thần linh cũng cho kết quả tương tự. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những người thường xuyên tham gia các hoạt động tôn giáo sống lâu hơn những người “vô thần”. Mặc dù một số lợi ích này nằm trong nghỉ ngơi xã hội nhưng kết quả chụp não cho thấy những lời cầu nguyện cũng giống như sự thiền định.