Bạn có bị tiền đái tháo đường?

Tiền đái tháo đường có nghĩa là đường trong máu của bạn có tăng lên, nhưng không đủ cao để được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.

Cơ thể sản xuất insulin để cho phép chuyển đổi đường được dung nạp từ thực phẩm chứa carbohydrate thành năng lượng và để giữ mức đường máu trong một giới hạn khỏe mạnh. Bệnh đái tháo đường thường bắt đầu khi cơ thể đang trở nên đề kháng với insulin, chủ yếu là do tăng cân nặng, đặc biệt béo bụng.

Tiền đái tháo đường là khi đường máu lúc đói tăng hoặc dung nạp glucose bị suy giảm. Tiêu chuẩn chẩn đoán là đường máu lúc đói từ 100mg/dL-125mg/dL (bình thường dưới 100mg/dL), hoặc hemoglobin A1c nằm trong khoảng 5,7-6,4% (bình thường ít hơn 5,7%).

Tăng cường rèn luyện thể lực giúp giảm nguy cơ mắc đái tháo đường. Ảnh: TM

Tăng cường rèn luyện thể lực giúp giảm nguy cơ mắc đái tháo đường. Ảnh: TM

Ai có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường?

Có một số yếu tố nguy cơ mà bạn có thể kiểm soát và những yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát:

Tuổi cao: Khi già đi, tuyến tụy của bạn giảm hoạt động và có thể làm cho insulin tiết ra ít hơn, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có tiền sử bệnh đái tháo đường, bạn có nguy cơ gia tăng không chỉ đối với bệnh tiền đái tháo đường, mà còn phát triển thành bệnh đái tháo đường trong tương lai. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi bạn có lối sống không lành mạnh như chế độ ăn uống kém, ít hoạt động thể chất, hút thuốc...

Chủng tộc: Một số dân tộc có nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường và đái tháo đường, bao gồm người Mỹ Latinh, người Mỹ gốc Á châu, người đảo Thái Bình Dương và người da đen không phải gốc Mỹ Latinh.

Tiền sử mắc bệnh đái tháo đường thai nghén.

    Béo bụng và/hoặc béo phì: Lý do là vì mỡ bụng, được gọi là “chất béo nội tạng” làm tăng giải phóng các axit béo tự do, có thể làm tăng đề kháng insulin. Ngoài ra, mỡ bụng cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim, cũng như tăng cholesterol, huyết áp và triglyceride. Bệnh béo phì đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển tiền đái tháo đường và đái tháo đường vì béo phì có thể dẫn đến đề kháng insulin. Những người mắc tiền đái tháo đường hay đái tháo đường vẫn có khả năng sản xuất insulin, nhưng họ không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Kết quả là cơ thể tiếp tục tạo ra nhiều insulin hơn, theo thời gian tuyến tụy trở nên quá sức và sẽ mất khả năng tạo ra một lượng insulin cần thiết theo nhu cầu cơ thể.

    Thiếu vận động: Tập thể dục giúp cơ thể bạn sử dụng insulin. Insulin là hormon lấy glucose từ máu chuyển vào tế bào để sử dụng tạo ra năng lượng. Một lối sống tĩnh tại có thể dẫn đến kháng insulin cao hơn.

    Dấu hiệu cảnh báo

    Thông thường, không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng của tiền đái tháo đường. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc đi tiểu nhiều hơn. Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh tiền đái tháo đường bằng cách sử dụng một bài kiểm tra đường máu lúc đói (không ăn bất cứ thứ gì trong 8 giờ trước đó), hoặc một bài kiểm tra đường máu sau 2 giờ thử nghiệm dung nạp glucose, hoặc một bài kiểm tra máu đo HbA1c (bạn không phải nhịn đói cho kiểm tra này).

    Với bất cứ ai trên 45 tuổi: Nếu kết quả kiểm tra đường huyết bình thường, cần phải lặp lại kiểm tra tối thiểu mỗi 3 năm, việc xét nghiệm có thể thường xuyên hơn tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm ban đầu (những bệnh nhân tiền đái tháo đường nên được kiểm tra hàng năm).

    Phòng ngừa cách gì?

    Thực tế, bạn có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn tiền đái tháo đường bằng cách thay đổi lối sống như tập thể dục nhiều hơn, giảm cân và ăn uống lành mạnh hơn.

    Nếu bạn duy trì một trọng lượng vừa phải; tập thể dục; ăn một chế độ ăn uống cân bằng nhiều rau, protein nạc, chất béo lành mạnh và carbohydrate giàu chất xơ, bạn có thể ngăn ngừa và làm chậm lại tình trạng tiền đái tháo đường và đái tháo đường. Cụ thể như sau:

    Giảm cân: Các nghiên cứu cho thấy rằng giảm cân vừa phải từ 5-7% trọng lượng cơ thể có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự tiến triển của tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường.

    Giảm lượng carbohydrate: Carbohydrate là chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nhiều nhất. Bạn có thể giảm lượng đường trong máu và giảm cân bằng cách ăn ít carbohydrate. Tránh các carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng, mì ăn liền, gạo trắng và đồ ăn nhẹ. Loại bỏ nước trái cây và thức uống có vị ngọt khác và tăng lượng thức ăn rau quả.

    Áp dụng chế độ ăn uống Địa Trung Hải: Chế độ ăn uống Địa Trung Hải là một chế độ ăn uống giàu trái cây, rau quả và quan trọng nhất có chất béo lành mạnh, như các loại hạt và dầu ô liu. Một số nghiên cứu cho thấy, chất lượng chất béo bạn ăn là quan trọng hơn tổng lượng chất béo. Có lẽ đây là lý do tại sao một số nghiên cứu đã cho thấy có  mối liên quan giữa áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải và dự phòng đái tháo đường týp 2.

    Tập thể dục: Hoạt động thể chất không chỉ giúp giữ cân nặng của bạn trong kiểm soát, mà còn giúp bạn sử dụng insulin tốt hơn. Insulin giúp các tế bào sử dụng đường, ngăn ngừa tăng glucose trong máu. Tăng hoạt động thể chất có thể giúp giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường một nửa.

    BS. Nguyễn Hải Lê

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
    Hiển thị tất cả kết quả cho ""