Có thể nói bệnh hen suyễn là “khắc tinh”của tình dục. Các dấu hiệu của bệnh hen cản trở sinh hoạt tình dục. Đồng thời, sinh hoạt tình dục sẽ làm bệnh hen nặng hơn. Do vậy, người bệnh hen cần biết cách để vừa điều trị bệnh hiệu quả vừa duy trì đời sống tình dục bình thường.
Tại sao quan hệ tình dục (QHTD) làm gia tăng nguy cơ bộc phát bệnh hen suyễn?
QHTD đôi khi gây ra các triệu chứng của bệnh hen suyễn do nhiều nguyên nhân: Sự hưng phấn trong QHTD sẽ khiến hơi thở thay đổi và trở nên dồn dập hơn, làm cho các triệu chứng của hen suyễn có nguy cơ bộc phát. Việc lo lắng các cơn hen suyễn bộc phát trong suốt thời gian quan hệ có khả năng làm gia tăng sự căng thẳng. Chính sự căng thẳng này khiến một số người bộc phát cơn hen suyễn. Đôi lúc phòng ngủ là nơi chứa các tác nhân gây kích hoạt hen suyễn như mùi hương của nến hay nước hoa. Ở người bệnh hen suyễn, ngay cả khi không gắng sức đã xảy ra khó thở thì khi QHTD lại càng khó thở hơn do thiếu ôxy. Vì vậy, họ thường ngại chuyện ấy, lâu ngày dẫn đến suy giảm ham muốn tình dục...
Thông thường, những triệu chứng của bệnh hen suyễn do việc QHTD gây ra sẽ diễn ra từ 5-8 phút sau khi chuyện ấy kết thúc.
Ở người bệnh hen khi không gắng sức đã khó thở thì khi QHTD càng khó thở hơn do thiếu ôxy.
Hen suyễn ảnh hưởng lớn tới tình dục
Bệnh hen là tình trạng viêm mạn tính của đường thở. Viêm làm cho đường thở tăng tính đáp ứng, dễ bị ảnh hưởng với những tác nhân kích thích từ bên ngoài hoặc ngay chính bên trong cơ thể người bệnh làm co thắt phế quản và lên cơn hen.
Người bị bệnh hen nhẹ hoàn toàn không ảnh hưởng đến chức năng tình dục, vẫn có thể sinh hoạt tình dục như người thường. Ngược lại, người bị bệnh hen nặng, phát bệnh liên tục và nhiều, do cơ thể thường ở trạng thái thiếu ôxy mạn tính, chức năng phổi bị tổn hại, mà ảnh hưởng đến chức năng sinh dục ở mức độ khác nhau.
Bệnh nhân hen suyễn nam thường biểu hiện triệu chứng bệnh là dương vật không cương được, liệt dương, xuất tinh khó. Bệnh nhân nữ thì không có ham muốn tình dục, thiếu cao trào tình dục… Người bị hen bị giảm khả năng miễn dịch với mức độ khác nhau, sức khỏe giảm sút, dễ bị lây nhiễm vào phổi và lây nhiễm này có thể trở thành nguyên nhân gây cảm nhiễm toàn thân.
Trong những loại thuốc điều trị mà người bị hen phế quản thường dùng, có một số thuốc nếu sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh dục.
Làm thế nào để giảm tái phát cơn hen khi QHTD?
Bình thường, người hen phế quản có thể sinh hoạt tình dục. Người bệnh hen nặng, liên tục lên cơn hen có thể tạm thời chấm dứt hoạt động tình dục, giữ gìn thể lực, tích cực điều trị. Nếu hen phế quản không được khống chế hiệu quả sẽ dẫn đến phù phổi do tắc nghẽn và ảnh hưởng đến chức năng tim, những bệnh này đều gây tổn hại cho khả năng tình dục. Do đó, khống chế và làm giảm hen phế quản là duy trì căn bản để có khả năng tình dục tốt. Có thể nói, chỉ khi khống chế hoặc làm giảm hen phế quản mới có thể khôi phục khả năng tình dục.
Người bị hen phế quản khả năng chịu lạnh rất kém, chỉ hơi nhiễm lạnh là có thể tái phát hen phế quản. Do đó, khi sinh hoạt tình dục nên chú ý vấn đề giữ ấm.
Thay đổi các tư thế: Việc duy trì các tư thế cố định khi QHTD có thể làm gia tăng áp lực lên ngực, dẫn đến tình trạng khó thở. Do đó, hãy thay đổi nhiều tư thế khác nhau để làm chủ cuộc yêu của mình, đồng thời tránh việc kích hoạt các triệu chứng của bệnh hen suyễn.
Uống thuốc trước khi bắt đầu quan hệ: Bạn có thể dùng thuốc làm giãn phế quản trước khi bắt đầu QHTD theo chỉ định của bác sĩ.
Tham vấn ý kiến bác sĩ: Nhiều người thường cảm thấy e ngại khi nói về vấn đề QHTD. Tuy nhiên, khi gặp tình trạng khó thở, thở khò khè hay tức ngực khi QHTD, bạn nên đến gặp bác sĩ để có được lời khuyên hữu ích nhất.
Ngoài ra, bạn cũng nên nói chuyện với bạn tình để có được sự thông cảm từ đối phương và tìm được hướng giải quyết phù hợp.
Tránh uống rượu trước khi quan hệ vì nó có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh hoạt tình dục.
Không tự ý ngưng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ mặc dù bạn thấy khỏe và không lên cơn hen trong nhiều ngày. Không hút thuốc lá vì hút thuốc làm cho bệnh kém đáp ứng với điều trị và có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
BS. ĐẶNG LAN