Bác Hồ từng viết:”Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/So với ông Bành vẫn thiếu niên/Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/ Trần mà như thế kém gì tiên”. Việt Nam cho đến nay được xếp vào một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất (theo Liên Hiệp Quốc). Điều đó có nghĩa là số lượng người cao tuổi sẽ ngày càng đông đảo. Làm sao để sống trên trần thế mà chẳng kém gì tiên như câu thơ của Bác?
Vì sao con người già đi?
Già đi dường như là một quá trình tất yếu nhưng vẫn có cách để
làm chậm lại tiến trình này
Thống kê y tế cũng cho biết 95% người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính và gây tử vong cao như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh gan, đái tháo đường, ung thư...Làm thế nào để sống khỏe với“ ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe” khi tuổi đã cao?
Theo quan điểm khoa học, lão hoá là hậu quả tổng hợp của tất cả các tổn thương xuất hiện và phát triển trong các tế bào, tổ chức, cơ quan, hệ thống của cơ thể do các “gốc tự do” gây ra.
Khái niệm về “gốc tự do” được nhà khoa học Harman (Mỹ) đề xướng năm 1954. Mọi vật chất đều được cấu tạo từ các phân tử. Mỗi phân tử lại được cấu tạo bởi các nguyên tử. Mỗi nguyên tử được cấu tạo từ hạt nhân mang điện tích (+) và lớp vỏ được tạo bởi các electron mang điện tích (-). Phân tử gồm một số nguyên tử dính với nhau do tác dụng của các cặp đôi điện tử (electron). Vì một lý do nào đó, một điện tử bị tách rời khỏi nhóm, nên phân tử có số điện tử lẻ và khi đó được coi là một gốc tự do. Do cấu trúc thiếu một điện tử nên phân tử có xu hướng di chuyển tự do để đánh chiếm điện tử của phân tử khác. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra phản ứng dây chuyền làm tổn hại AND, màng tế bào, ty thể trong tế bào.
Gốc tự do có nhiều tác hại với sức khoẻ cơ thể. Nó là nguồn gốc của sự lão hoá và hơn 100 bệnh tật nguy hiểm bao gồm các bệnh về mắt, não, da, hệ miễn dịch, tim, mạch máu, khớp, thận , phổi... Ở mức độ nặng, gốc tự do gây nên nhiều bệnh nguy hiểm và gây ung thư do sau khi cướp điện tử, gốc tự do làm tổn thương màng tế bào, phản ứng mạnh với các phân tử protein, AND và các acid béo, dẫn đến những biến đổi gây tổn hại, rối loạn và làm chết tế bào.
Số lượng của gốc tự do tích luỹ theo tuổi và tác hại ngày càng nghiêm trọng. Mỗi tế bào phải hứng chịu khoảng 10.000 gốc tự do tấn công mỗi ngày. Khi cuộc sống căng thẳng là lúc gốc tự do gia tăng nhanh chóng.
Chính các gốc tự do gây ra các tổn thương, các bệnh mạn tính ở người cao tuổi như xơ vữa động mạch, đái tháo đường, đục thuỷ tinh thể và một số loại ung thư.,.Các gốc tự do tăng cao bất thường do đời sống căng thẳng, gặp nhiều stress, do môi trường ô nhiễm khói, xăng dầu, tia phóng xạ. Song song với việc sử dụng một số chất có tác dụng chống các gốc tự do như vitamin E, vitamin C, vitamin A. các chất màu trong rau quả, chất tannin trong trà, một số chất khoáng như kẽm, đồng, mangan, selen, một số acid hữu cơ trong rau trái, flavonoid trong thực vật, thì những biện pháp sau đây sẽ góp phần hạn chế tốc độ lão hoá.
Ăn uống hợp lý
Người có tuổi thường mất cảm giác về mùi vị, giảm sự ngon miệng, mất răng gây khó nhai, khả năng tiêu hoá-hấp thu giảm sút, giảm hoặc mất cảm giác khát nước. Ngoài ra người có tuổi thường mắc một hay nhiều bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, loãng xương…Do đó cần có một chế độ ăn uống phù hợp sinh lý và bệnh lý.
Năng vận động
Luyện tập thể dục dưỡng sinh như thái cực quyền, thái cực trường sinh đạo, bát đoạn cẩm, ngũ cầm hí, đại nhạn khí công, phất thủ liệu pháp…có tác dụng làm cho khí huyết lưu thông, thư giãn thần kinh giúp ngăn ngừa và hạn chế, tiêu trừ bệnh tật. Đơn giản nhất là đi bộ 60 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần kết hợp với thở dưỡng sinh ( thở bụng).
Vận động là cách chống o-xy hoá cơ thể rất hiệu quả. Từ thời xa xưa người ta đã biết “ không có gì làm suy yếu và phá huỷ cơ thể con người bằng việc không hoạt động kéo dài”. Cơ thể năng vận động sẽ hoạt động hài hoà, đem đến cảm giác dễ chịu, vui tươi, phấn khởi, yêu đời, trí óc sáng suốt và lao động có năng suất.
Thường xuyên tập luyện sẽ giúp cho cơ thể mạnh khỏe, chống lại sự lão hóa
Giữ tâm hồn luôn thanh thản-vui vẻ-lạc quan.
Niềm vui kích thích, tăng cường sức sống cho cơ thể, duy trì thăng bằng hệ thần kinh và là vũ khí chống lại mọi sự căng thẳng, mọi ưu tư, buồn phiền, các stress trong cuộc sống hàng ngày.
Tích cực hoạt động xã hội
Tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, các công tác xã hội, du lịch tham quan các danh lam thắng cảnh trong và ngoài nước, tăng cường giao lưu bạn bè, hội, tổ chức, vui đùa cùng con cháu hay có thể học thêm một ngoại ngữ khi có thể được để chống lão hoá não. Tất cả các hoạt động trên sẽ giúp bồi bổ thể chất lẫn tinh thần.
BS. Ngô Văn Tuấn